Tình yêu tiếng Việt của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lòng yêu nước chính là hạt nhân của tư tưởng Hồ Chí Minh mà một trong những biểu hiện là thái độ yêu quí, trân trọng, giữ gìn, niềm tin tưởng sâu sắc vào tiếng nói của dân tộc
 
Là một người có trình độ văn hoá uyên thâm, Hồ Chí Minh đã nhận thức một cách sâu sắc vị trí, vai trò của ngôn ngữ đối với nền văn hoá, bản sắc văn học dân tộc và đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Trong Đại hội lần thứ ba Hội nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Người căn dặn:Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quí báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quí trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
 
Là một người đã từng đi khắp năm châu bốn biển, có trình độ học vấn uyên bác, thông thạo nhiều ngoại ngữ song Người vẫn giữ nguyên giọng nói quê hương xứ Nghệ trầm ấm, thân thương, lời ăn tiếng nói của Người vô cùng giản dị, mộc mạc, dễ đi vào lòng người.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo, trí thức, văn nghệ sĩ
 tại Đại hội III Hội nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962
 
Trong những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp xuất bản ở Pari, Người vẫn viết những câu nguyên văn tiếng Việt “cho đỡ nhớ” và sau đó chú thích bằng tiếng Pháp.
 
Khi nói hoặc viết, Người đều chú ý cách diễn đạt phù hợp với đối tượng tiếp nhận, sao cho giản dị, dễ hiểu, dễ tiếp nhận, đặc biệt là đối với đông đảo quần chúng nhân dân.
 
Trước khi công bố các bài viết, Người thường đọc thử cho một số người nghe, đề nghị góp ý và sửa chữa cẩn thận. Người không đồng ý với những cách diễn đạt cầu kì, “dây cà ra dây muống”, xa lạ với nhận thức, tình cảm của quần chúng nhân dân.
 
Đối với việc tiếp thu các yếu tố ngôn ngữ ngoại lai, Hồ Chí Minh chủ trương tiếp thu một số từ ngữ từ tiếng nước ngoài mà tiếng Việt không có để làm giàu cho vốn ngôn ngữ dân tộc.
 
Mặt khác, Người phê phán hiện tượng lạm dụng tiếng nước ngoài, sính dùng từ nước ngoài để “khoe chữ” trong khi những từ đó đã có trong tiếng Việt. Người viết: “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta”.
 
Người nhắc nhở các cán bộ “chớ ham dùng chữ”, “những chữ không biết rõ thì chớ dùng”, bởi vì nếu không sẽ dẫn đến hiện tượng “dùng lung tung; nhiều khi không đúng”.
 
Bản thân Người khi nói và viết bao giờ cũng cố gắng sử dụng những từ ngữ tiếng Việt sẵn có thay vì dùng các từ ngữ có nguồn gốc từ nước ngoài, hoặc Việt hoá nhiều từ ngữ nước ngoài.
 
Ví dụ Người nói “tiếng nói” chứ không nói “ngôn ngữ”, nói “chiến sĩ gái” chứ không nói “nữ chiến sĩ”, nói “nước nhà” chứ không nói “quốc gia”, nói “chắc chắn” chứ không phải là “tất yếu”, không nói “phi cơ” mà nói “máy bay”, không nói “không phận” mà nói “vùng trời”, không nói “hải phận” một nói “vùng biển”… Đó không phải sự ngẫu nhiên, mà sự lựa chọn với một chiều sâu văn hoá, như Người quan niệm “bất đắc dĩ mới phải dùng chữ”.
 
Cũng như Đại thi hào Nguyễn Du và nhiều nhà văn hoá khác, Hồ Chí Minh nhận thức một cách sâu sắc về sự kì diệu của ngôn ngữ nhân dân, Người nhắc nhở “Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng”.
 
Người thường xuyên vận dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, Truyện Kiều vào những bài nói, bài viết của mình, tạo nên sự gần gũi, giản dị mà cũng hàm chứa được những điều hết sức sâu xa.
 
Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cách diễn đạt mang phong cách tục ngữ, ca dao nên rất gần gũi, thân thiết, đọng lại mãi trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế: “Mối tình thắm thiết Việt Hoa. Vừa là đồng chí, vừa là anh em” hay “Quan sơn muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”; “Việt Lào, hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”; “Ruộng rẫy là chiến trường. Cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sĩ…”.
 
Hồ Chí Minh đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của tiếng Việt. Bằng những sáng tạo không mệt mỏi trong suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh đã làm cho tiếng Việt thêm phong phú, tinh tế, uyển chuyển, “có đặc sắc Việt Nam hơn bất kì một người Việt Nam nào khác”.
 
Những tác phẩm chính luận, văn chương nghệ thuật hay những bài nói, bài viết của Người là những mẫu mực đẹp đẽ của việc sử dụng ngôn ngữ một cách điêu luyện, có hiệu quả cao, trở thành những di sản quí báu của văn hoá dân tộc. Nhiều lời kêu gọi của Người đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thành “lời non nước”, có sức mạnh cổ vũ nhân dân vô cùng lớn lao.
 
Ngay từ năm đầu vừa giành được độc lập, Người đã phát động phong trào “diệt giặc dốt” và đã thu được những thành công to lớn, khiến cho chữ viết của tiếng Việt có thêm hàng chục triệu người biết sử dụng.
 
Hiểu được tác dụng to lớn của ngôn ngữ đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, Người đã chủ trương đưa tiếng Việt vào các giảng đường đại học trong khi một số trí thức còn nghi ngờ về khả năng của tiếng Việt đối với việc chuyển tải những kiến thức khoa học kĩ thuật hiện đại.
 
Từ sau cách mạng Tháng Tám 1945, tiếng Việt đã có một vị trí vẻ vang chưa từng có, trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia và ngày càng phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Và trong suốt cuộc đời mình, Người cẩn thận, tỉ mỉ uốn nắn cách nói, cách viết của đồng chí, đồng bào sao cho trong sáng, đúng chuẩn mực, đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc trong đời sống ngôn ngữ. Người cũng đã nhận thấy một số điểm chưa hợp lí của chữ viết tiếng Việt và đề xuất những phương án sửa đổi.
 
Học tập đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta học tập “tấm gương sáng chói của Người về lòng yêu mến, quý trọng tiếng Việt, tin tưởng ở khả năng to lớn của tiếng Việt”, đấu tranh với những biểu hiện thiếu lành mạnh trong đời sống ngôn ngữ hiện đại.
Trần Quang Đại  (Congannghean.vn)
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh