110 năm ngày mất của bà Hoàng Thị Loan
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất của bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thành kính dâng lên anh linh Bà nén hương thơm để ghi nhớ công ơn bà - một người phụ nữ Việt Nam đã có đầy đủ những phẩm giá cao đẹp của người phụ nữ truyền thống và hiện đại: công, dung, ngôn, hạnh "Người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Có một người mẹ chưa nhận một danh hiệu cao quý nào của nhà nước, nhưng trong tâm khảm của người dân Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác mãi mãi ghi nhớ công ơn của bà, đó là Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Bà sinh năm 1868, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học và giàu lòng nhân ái. Ông nội là Hoàng Xuân Cẩn, ông ngoại là Nguyễn Văn Giáp đều đỗ tú tài, thân sinh là Hoàng Đường - một nhà nho có tiếng trong vùng, mở lớp dạy học tại nhà được nhân dân quý mến, kính trọng gọi là cụ Đồ An. Thân mẫu là Nguyễn Thị Kép - người phụ nữ hiền lành thông minh, yêu quý chồng con, biết nhiều làn điệu dân ca.
 
 
Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Lê Hồng Anh tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan - Ảnh: Hữu Trọng
 
Tuy là một gia đình nho học, nhưng mọi người trong gia đình đều trực tiếp lao động, vừa làm ruộng vừa chăn tằm dệt vải. Môi trường tốt đẹp của gia đình cùng với truyền thống văn hóa lâu đời của xứ sở Hồng Lam được Hoàng Thị Loan - cô gái thông minh tiếp thu hình thành những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
 
Càng lớn lên Hoàng Thị Loan càng xinh đẹp, duyên dáng, thùy mị, nết na, ngày ngày chăm chỉ công việc đồng áng, tối đến miệt mài canh cửi, có nhiều chàng trai ngấp nghé tỏ tình. Được cha mẹ giúp đỡ Hoàng Thị Loan đã vượt lên sự ràng buộc của quan niệm đương thời, đem lòng yêu thương cậu Nguyễn Sinh Sắc, nho sinh nghèo, mới lên 4 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, người được gia đình bà đưa về nhà nuôi cho ăn học.
 
Cuối năm 1883, Hoàng Thị Loan đã trở thành người vợ trẻ thảo hiền, cần cù, chăm chỉ, hôm sớm lao động, hết mực yêu thương ông, giúp cho chồng học tập, đặng thành đạt trên con đường cử nghiệp.
 
Năm 1884, Hoàng Thị Loan sinh con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh, cuối năm sau sinh người con trai cả Nguyễn Sinh Khiêm; ngày 19/5/1890 Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời, người mà sau này trở thành người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
 
Năm 1894 cụ Hoàng Đường qua đời, đây là một tổn thất lớn lao của gia đình. Qua tổn thất này bà Hoàng Thị Loan lại hết lòng động viên chồng dùi mài kinh sử để đền đáp lại ân nghĩa của cụ Hoàng Đường, người thầy, người bố vợ đã cưu mang giúp đỡ. Khoa thi hương Giáp Ngọ (1894) ông Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân.
 
Kết quả này vừa là công dùi mài kinh sử, ý chí rèn luyện của ông vừa là công sức lao động, chịu đựng mọi gian lao vất vả vì chồng, vì con của bà Hoàng Thị Loan. Bà lại chăm lo lao động, giúp cho ông Sắc tiếp tục tu luyện để chuẩn bị năm sau thi Hội.
 
Khoa thi Hội Ất Vị 1895, ông Sắc vào kinh đô Huế dự thi nhưng không đỗ, ông xin được vào học trường Quốc tử giám. Học bổng nhà trường ít ỏi, gia đình lại không có điều kiện chu cấp, ông trở về quê bàn với bà Hoàng Thị Loan tìm cách giúp đỡ. Bà đã gửi cô con gái đầu lòng ở nhà bà ngoại, đưa 2 con trai (Khiêm, Cung) cùng chồng vào kinh đô Huế, giúp chồng ăn học.
 
Gia đình bà Loan chỉ thuê được một căn nhà nhỏ trong thành nội. Bà lại dệt vải để nuôi con, nuôi chồng ăn học. Cuộc sống gia đình lúc này hết sức vất vả gieo neo; nhờ một người quen giới thiệu ông Sắc về mở lớp dạy học trong nhà ông Nguyễn Độ tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế đỡ đần giúp vợ có thêm điều kiện nuôi mình, nuôi hai con và chuẩn bị cho kỳ thi tới.
 
Tháng tám năm Canh Tý (1900) ông Sắc được mời đi làm thư ký cho khoa thi hương tại Thanh Hóa. Ông đưa cậu Nguyễn Sinh Khiêm cùng đi và đưa Nguyễn Sinh Cung trở về Huế với mẹ. Thời gian ở Huế bà sinh thêm người con thứ tư Nguyễn Sinh Xin. Sinh con trai trong điều kiện vật chất túng thiếu nên bà đau ốm luôn.
 
Ngày 10/2/1901, tức ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý, bà đã qua đời khi mới bước sang tuổi 33, trong nỗi tiếc thương vô hạn của gia đình và bà con khối phố. Nguyễn Sinh Cung mới 1/1 tuổi phải một mình lo tang mẹ. Thi hài của bà được an táng ở chân núi Ban, thuộc dãy Tam Tầng, Thành phố Huế.
 
Năm 1922, cô Thanh đã đưa hài cốt của mẹ về an nghỉ trong khu vườn nhà ở Làng Sen.
Năm 1942 cậu Khiêm đã đưa hài cốt của mẹ lên cát táng tại núi Động Tranh thấp thuộc dãy Đại Huệ, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
 
Năm 1984 - 1985, Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh cùng với lực lượng vũ trang quân khu IV xây dựng, tôn tạo lại phần mộ của bà. Từ đó đến nay, đã có hàng triệu lượt đồng bào trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bầu bạn quốc tế đến thăm viếng trước phần mộ của bà. Tập thể cán bộ công nhân viên Khu di tích Kim Liên và nhân dân địa phương chăm sóc phần mộ bà như chăm sóc phần mộ người thân trong gia đình mình.
 
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất của bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thành kính dâng lên anh linh Bà nén hương thơm để ghi nhớ công ơn bà - một người phụ nữ Việt Nam đã có đầy đủ những phẩm giá cao đẹp của người phụ nữ truyền thống và hiện đại: công, dung, ngôn, hạnh "Người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã mang lại vinh quang cho đất nước Việt Nam, Người mà mọi người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ mãi mãi ghi ơn" như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong dịp về viếng mộ bà đã ghi vào sổ vàng lưu niệm.
 
Nguyễn An Vinh    ( Congannghean.vn)   
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh