Thí ðiểm dạy tiếng Anh từ lớp 3: Trước những thách thức?!

Năm học 2010-2011 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa chương trình tiếng Anh vào dạy thí điểm từ lớp 3 tại 100 trường tiểu học ở tất cả các vùng miền trên cả nước. Nghệ An có 8 trường được triển khai thí điểm và nhanh chóng cụ thể hóa Đề án của Bộ bằng Quyết định số 5600 của UBND tỉnh với những kế hoạch, giải pháp cụ thể.

Việc dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học đã được thực hiện từ nhiều năm nay bằng phương thức tự chọn. Đặc biệt, ở các đô thị và vùng thuận lợi, việc học sinh tiểu học học tiếng Anh đã trở thành phong trào. Bắt đầu từ năm học 2010-2011, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm chương trình dạy tiếng Anh nâng cao, có quy mô lớn, đạt chuẩn "quốc tế ".

 

 Thí điểm dạy tiếng Anh ở tiểu học vẫn nhiều lúng túng Ảnh: T.Đ (Internet)


Đề án được đưa ra theo chương trình 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 và kết thúc ở lớp 12. Theo ông Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục thì việc dạy tiếng Anh ở tiểu học đặc biệt chú trọng tới hai kỹ năng nghe và nói với mục tiêu giúp học sinh giao tiếp một cách tự tin, tạo thành thói quen học tập từ nhỏ, trở thành công dân toàn cầu tương lai trong thời kỳ hội nhập.

Việc thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 ở Nghệ An khá thuận lợi bởi 100% trường tiểu học ở Nghệ An đã dạy tăng buổi, nhiều trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy tiếng Anh có hiệu quả. Đó là những tiêu chí cần thiết để được triển khai dạy thí điểm.

Cuối năm học 2009-2010, Sở GD & ĐT đã chọn 10 giáo viên có trình độ cao đẳng và đại học sư phạm tiếng Anh tham gia đợt tập huấn, khảo sát năng lực tiếng Anh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 8/2010. Trong 10 giáo viên, 8 người đã đạt yêu cầu qua kiểm tra nghiêm ngặt của Bộ. Trên cơ sở đó, 8 trường tiểu học được lựa chọn làm thí điểm (thành phố Vinh 3 trường, Cửa Lò 2 trường, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành mỗi huyện 1 trường)

Còn theo mục tiêu đề ra trong Quyết định số 5600 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010-2020, từ năm học 2011-2012 có 130 trường thực hiện, mỗi năm tăng thêm 20%; năm 2014-2015 có 100% số trường tiểu học vùng thuận lợi sẽ thực hiện chương trình mới.

Tuy nhiên, việc dạy thí điểm Tiếng Anh ở tỉnh ta đang đối mặt với nhiều thành thức mà trước hết là vấn đề chất lượng giáo viên Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An tâm sự: "Các trường tiểu học thường hợp đồng với giáo viên tiếng Anh nên khó thuyết phục họ đi đào tạo trình độ đạt chuẩn. Trong khi đó, tuyển giáo viên từ sinh viên tốt nghiệp đại học cũng khó bởi họ thường tìm việc có thu nhập cao. Hơn nữa, giáo viên dạy tiếng Anh khó toàn tâm toàn ý khi họ chưa được ký hợp đồng dài hạn hoặc vào biên chế".

Hiện nay, số lượng giáo viên được đào tạo chuyên ngành tiếng Anh rất lớn, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó đạt chuẩn trình độ 550 điểm TOEFL hoặc 6.0 IELTS. Với mức lương giáo viên hiện tại, nhiều người có chuyên môn tiếng Anh khá và giỏi sẽ chọn nghề phiên dịch cho các doanh nghiệp, hoặc sẽ đi dạy tại các trung tâm ngoại ngữ với thu nhập cao. Những giáo viên hợp đồng với các trường đã hàng chục năm, lương vẫn rất thấp và không có lương trong thời gian nghỉ hè nên không yên tâm với nghề. Vì vậy, tối thiểu phải có cơ chế chính sách để tuyển giáo viên tiếng Anh tiểu học vào biên chế hoặc hợp đồng dài hạn mới có thể thu hút được người có trình độ theo yêu cầu giảng dạy.

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn kinh phí hàng năm để đảm bảo kế hoạch được thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, Trung ương phân bổ về chỉ có 4 tỷ 680 triệu đồng, trong khi đó, nhu cầu thực hiện kế hoạch cần trên 22 tỷ đồng. Nếu không có sự quyết tâm, cố gắng của các cấp chính quyền, của toàn xã hội thì không thể  bù đắp được nguồn kinh phí đang thiếu hụt.

Nằm trong chương trình dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, Đề án dạy tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 được xem là một trong 5 mục tiêu lớn của việc đổi mới giáo dục năm học 2010-2011. Vì vậy, dù việc triển khai thí điểm Đề án đang gặp nhiều khó khăn, đang đứng trước những thách thức, song không thể không thực hiện. Điều quan trọng là cần nghiên cứu để có lộ trình triển khai hợp lý và đạt hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng làm ồ ạt, dẫn đến hiệu quả học ngoại ngữ không cao như lâu nay.

Thảo Nhi-Báo NA 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh