Mong muốn quyết tâm của Đảng thành thực tiễn sinh động

Xây dựng được các quyết tâm và các chủ trương lớn trong sự nghiệp phát triển đất nước trong thời gian tới là một thắng lợi lớn lao của Đại hội Đảng XI. Nhưng để các Nghị quyết này trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống mới là thành công của Đảng, thành công của sự nghiệp Đổi Mới do Đảng lãnh đạo.  

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang bắt đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và Chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 sau thắng lợi của Đại hội lần thứ XI của Đảng. Việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đã trở thành yêu cầu chính trị cao nhất của mỗi cá nhân, đơn vị mà vấn đề quan trọng là phải cụ thể hóa được các quyết sách của Đảng thành các chương trình, đề án thuyết phục, hiệu quả.

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu những suy nghĩ của GS.NGND, Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Lân Dũng về việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Tranh cổ động chào mừng Đại hội XI của Đảng. Tác giả: Trịnh Bá Quát (Hà Nội). Nguồn ảnh: baolaocai.vn

Bản thân tôi rất thỏa mãn khi được đọc Nghị quyết của Đại hội lần thứ XI của Đảng. Tôi nhận thấy toàn bộ tinh thần của Nghị quyết là phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh và đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân ta.

Nghị quyết của Đảng thẳng thắn xác nhận: “Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá chậm; chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý, phân hoá giàu nghèo tăng lên…”

Trả lời phỏng vấn dịp đầu Xuân này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: Việt Nam là nước đang phát triển, cần phát triển cơ sở hạ tầng, cần xóa đói giảm nghèo mà đầu tư vào xóa đói giảm nghèo thì không ra giá trị sản lượng được, chỉ mang lại giá trị phát triển bền vững lâu dài. Cho nên đừng nhìn vào ICOR cao mà cần phân tích cụ thể cao ở chỗ nào, chỗ nào cần khắc phục.

Ở đây đúng là có những chỗ cần khắc phục như đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước cần phải tính toán kỹ. Đầu tư từ ngân sách chủ yếu là vào cơ sở hạ tầng. Hiện nay cơ sở hạ tầng đang có nhiều yếu kém nên chúng ta phải tập trung vào, nhưng cách thức quản lý nguồn vốn ngân sách chưa tốt ở chỗ khả năng quản lý hay xây dựng dự toán chưa chặt chẽ.

Chúng ta đang phân cấp phần phê duyệt dự toán cho bộ chuyên ngành, ví dụ công trình giao thông do Bộ Giao thông vận tải, các công trình dân dụng công nghiệp thì do Bộ Xây dựng làm… Cách thức như vậy không mang lại sự khách quan.

Sắp tới đây chúng ta phải đưa cơ chế mới vào để đảm bảo đầu tư có sự giám sát chặt chẽ hơn và tính toán hiệu quả tốt hơn. Cụ thể phải đưa cả tư nhân vào cùng tham gia đầu tư theo phương thức đầu tư công tư kết hợp. Có tư nhân vào sẽ giám sát hiệu quả đầu tư tốt hơn, tính toán đầu tư có hiệu quả hơn.

Theo tôi đó là những ý kiến rất xác đáng và cần có nhiều ý kiến cụ thể như vậy để khắc phục các nhược điểm của nền kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng đã thừa nhận.

Về tình trạng phân hóa giàu nghèo thì bộ phận chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là người nông dân.

Tham luận tại Đại hội Đảng, đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân đã đánh giá: Nhìn chung, nông dân thu nhập còn thấp, mức sống chưa cao, sản xuất nông nghiệp còn quá manh mún, sản xuất nhỏ vẫn là chủ yếu, môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, tư duy kinh tế gắn sản xuất với thị trường của người dân còn thiếu hệ thống và chiều sâu; phong cách, kỷ luật lao động còn tùy tiện, chạy theo lợi nhuận trước mắt, ít quan tâm đến thương hiệu hàng hóa nông sản ổn định, đồng nhất, rõ ràng về xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, nông dân cũng gặp những thách thức, khó khăn khác trong cơ chế thị trường, đó là những bạn đồng hành vốn có của giai cấp nông dân đang có những biến động: các doanh nghiệp nhà nước chuyển nhanh sang cổ phần hóa, hướng về mục tiêu lợi nhuận; các tổ chức sự nghiệp cung cấp dịch vụ công của nhà nước cũng chuyển sang xã hội hóa, tự chủ về tài chính; các tổ chức viện trợ nhân đạo quốc tế chuyển sang đối tác kinh doanh; người tiêu dùng chuyển thị hiếu về sản phẩm chất lượng cao, bảm đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…

Trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng rộng, đã có những luật chơi không công bằng của hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ và được trợ cấp dồi dào ở các quốc gia phát triển đang cạnh tranh gay gắt với nông nghiệp, nông dân và kinh tế nông thôn Việt Nam.

Những khó khăn đó diễn ra ngay trong quá trình xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam để thực hiện CNH-HĐH đất nước; thêm vào đó là ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bất ổn của thị trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, những rủi ro trong đời sống, sản xuất...

Nghị quyết của Đảng cũng đã thẳng thắn thừa nhận: “Những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường chậm được khắc phục; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của đời sống tinh thần và làm suy giảm lòng tin của nhân dân…

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và yếu kém nói trên, Nghị quyết của Đại hội Đảng đã nêu các giải pháp mang tính quyết tâm rất cao, rất khoa học và phù hợp với ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân ta.

Đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của nhân dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc CNH - HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân; đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khắc phục tình trạng bất hợp lý và tác động tiêu cực của quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập hiện nay …

Nhân dân ta luôn mong muốn các quyết tâm của Đảng trở thành thực tiễn sinh động trong đời sống xã hội, thành hiện thực có thể kiểm chứng tại mọi ngành, mọi cấp, mọi cán bộ và đảng viên. Muốn như vậy, chúng ta  phải cụ thể hóa từng chủ trương, chính sách cho phù hợp với Nghị quyết mà cũng chính là phù hợp với lòng dân.

Xây dựng được các quyết tâm và các chủ trương cụ thể nói trên là một thắng lợi lớn lao của Đại hội Đảng XI nhưng để các Nghị quyết này trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống mới là thành công của Đảng, thành công của sự nghiệp Đổi Mới do Đảng lãnh đạo. Khi đó không còn có thế lực thù địch nào có thể phá vỡ nổi khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng vì mục tiêu cao cả “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà nhân dân cả nước hằng mong ước.

Chỉ có làm được như vậy thì đất nước mới có thể bứt phá lên, hướng tới mục tiêu cao cả: Đến năm 2020 nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng

Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh