Trao đổi của PV Đài PT-TH TP Vinh với nguyên TBT Đỗ Mười về Thành phố Vinh

(PT-TH_Vinh) Trong buổi đầu bắt tay xây dựng lại thành phố Vinh, Đảng bộ và nhân dân thành phố quê hương Bác vinh dự được nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại thành phố để hôm nay Vinh đang từng bước phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc trung Bộ.

 Hướng tới kỷ niệm kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô, 45 năm thành phố Vinh và công bố thành phố vinh là đô thị loại I, Nhà báo Lê Chung, Đài PT-TH TP Vinh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đỗ Mười – Nguyên Tổng bí thư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhà báo Lê Chung: Thưa đồng chí, là một người đã từng gắn bó với quá trình xây dựng và phát triển của thành phố Vinh, đặc biệt là sự kiện ngày 1/5/1974, ông là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng khu Quang Trung - Thành phố Vinh. Xin ông cho biết những cảm xúc của mình tại thời kỳ đó?

Nguyên TBT Đỗ Mười: Vinh- trước đây cũng là một trong những thành phố đẹp của miền Trung. Những năm 1920, 1930 của thế kỷ trước, thành phố vinh được biết đến là một đô thị sầm uất với nhiều nhà máy, xí nghiệp, bến cảng… Vinh cũng là thành phố của hàng vạn công nhân, cái nôi của phong trào yêu nước- nơi bắt nguồn phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh 1930- 1931.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thành phố vinh trở thành đống hoang tàn, đổ nát. Khi hòa bình lập lại, nhân dân trở về xây dựng lại thành phố của mình trong điều kiện hết sức khó khăn: Cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật không có gì. Khó khăn của thành phố vinh lúc bấy giờ cũng là khó khăn chung của cả nước sau chiến tranh.

Năm 1973, theo Hiệp định đã ký giữa ta và Cộng hòa Dân chủ Đức, bạn giúp ta xây dựng lại thành phố Vinh. Bạn đã cử chuyên gia kỹ thuật và đội ngũ công nhân lành nghề sang giúp từ khâu quy hoạch, thiết kế, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng kể cả việc đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề… bạn còn đưa các loại máy móc, thiết bị và vật liệu mà ta rất thiếu như ôtô, cần cẩu, nhà lắp ghép, fibrociment… sang hỗ trợ. Có thể nói sự giúp đỡ tận tình của Chính phủ CHDC Đức và tình đoàn kết hữu nghị giữa các chuyên gia Đức và cán bộ, công nhân ta lúc bấy giờ thật vô cùng đẹp đẽ.

Lúc bấy giờ tôi là phó Thủ tướng được đại diện Chính phủ đặt viên gạch đầu tiên xây dựng khu Quang Trung – một khu chung cư nhà cao tầng với trên 3.000 hộ gia đình kèm theo các công trình dịch vụ khác. Cảm tưởng đầu tiên của tôi cũng như cảm tưởng của nhân dân thành phố Vinh lúc bấy giờ, đó là sự vui mừng khôn xiết. Vì thành phố từ nay sẽ bắt đầu hồi sinh trở lại, càng thấy thấm đượm lời nói của Bác Hồ: “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Nhà báo Lê Chung: Thưa đồng chí, từ thời điểm đó đến nay Thành phố Vinh đã có sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2008 thành phố Vinh kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô, 45 năm thành phố, 15 năm đô thị loại 2. Trong dịp kỷ niệm này, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, Đảng bộ và nhân dân thành phố Vinh được công nhận là đô thị loại 1. Trước sự kiện lớn đó, ông có suy nghĩ gì?

Nguyên TBT Đỗ Mười: Từ ngày đó đến nay sau hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, thành phố Vinh đã có bước phát triển đáng kể. Khu phố Quang Trung đã và đang được tu bổ lại. Các công trình văn hóa – xã hội như nhà ở, công viên, khách sạn…, các nhà máy, xí nghiệp..v.v.. đang dần mọc lên càng tô thêm vẻ đẹp cho thành phố- quê hương Bác.

            Upload

                                       Thành phố Vinh hôm nay

Tuy nhiên, tỉnh Nghệ An nói chung, thành phố Vinh nói riêng vẫn là một tỉnh nghèo, thành phố nghèo. Cơ sở công việc chưa có mấy, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn chưa làm được bao nhiêu. Đời sống của nhân dân ở những vùng xa thành phố vẫn còn  nhiều khó khăn…

Tôi mong tỉnh Nghệ An cũng như thành phố Vinh trong những năm tới trên tình thần phát huy nội lực và hết sức cần kiệm, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ và hợp tác với nước ngoài để xây dựng tỉnh nhà ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn. Đặc biệt quan tâm đến công nghiệp cơ khí để sản xuất ra các loại máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, chế biến nông, lâm hải sản, thực phẩm… Sản xuất, lắp ráp các thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Đặc biệt, quan tâm phát triển kinh tế biển.

                      Upload

                              Quảng trường Hồ Chí Minh

Đối với trung tâm thành phố cần chú trọng công nghiệp sạch như công nghệ thông tin, sản xuất và lắp ráp điện tử; các sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm… Chú trọng công tác đào tạo cán bộ và công nhân lành nghề. Phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục để nâng cao sức khỏe và trình độ dân trí của nhân dân.

Ở hai đầu nam Thanh, bắc Nghệ đang hình thành những khu công nghiệp lớn như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nhà máy luyện gang thép Thạch Khê (Hà Tĩnh) thì Nghệ An với tiềm năng tiền rừng bạc biển sẵn có, với con người xứ Nghệ cần cù, thông minh lại mang trong mình dòng máu Xô Viết – Nghệ Tĩnh bất khuất, kiên cường, không lý gì tỉnh Nghệ An mà bộ mặt là thành phố Vinh - quê hương của Bác Hồ kính yêu lại không phấn đấu vươn lên một cách nhanh chóng trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở giữa thế kỷ này.

NB Lê Chung: Xin cảm ơn đồng chí!

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh