NGHEAN.GOV.VN La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là người Xứ Nghệ được Nguyễn Huệ - Quang Trung rất tin tưởng trọng dụng. Trên thực tế, Nguyễn Thiếp đã có nhiều đóng góp quan trọng kể cả trước và sau khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua lấy niên hiệu Quang Trung (ngày 25/11/Mậu Thân 1788, tức 22/12/1788).
Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) quê ở thôn Mật Thiết, xã Kim Lộc, huyện La Sơn (Đức Thọ - Hà Tĩnh ngày nay), là người thông minh, có đỗ đạt cao, từng làm quan cho chính quyền Lê - Trịnh, hơn 10 năm giữ chức vụ tri huyện Thanh Chương. Sau đó, chán với thời cuộc, ông bỏ việc triều đình về ở ẩn tại núi Thiên Nhẫn, hàng ngày dạy học, đọc sách, làm thơ và cuốc vườn.
Người đương thời rất khâm phục ông về cả tài lẫn đức nên tôn xưng ông là La Sơn Phu Tử (tạm hiểu là người thầy đạo cao chức trọng ở đất La Sơn). Biết ông là người như vậy, Nguyễn Huệ đã khẩn khoản mời ông ra giúp việc nước, hợp tác với mình. Chỉ tính trong năm 1787, Nguyễn Huệ đã ba lần cho người đem lễ vật và thư mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân với lời lẽ rất chân thành thể hiện sự trọng vọng của mình đối với Nguyễn Thiếp: mong Phu Tử nghĩ đến thiên hạ với dân sinh, vụt dậy ra đi, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có người mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi”. Nhưng cả ba lần Nguyễn Thiếp đều viết thư từ chối.
Tháng 5/1788, trên đường ra Bắc Hà, Nguyễn Huệ dừng chân ở núi Nghĩa Liệt lại cho mời Nguyễn Thiếp ra để gặp. Lần này Nguyễn Thiếp đồng ý gặp Nguyễn Huệ nhưng chưa nhận lời cộng tác.
Sự kiên trì và thái độ chiêu hiền đãi sĩ của Nguyễn Huệ cùng một số chuyển biến khác của các thế lực phong kiến nước Việt, Nguyễn Thiếp quyết định đem lòng cống hiến tài năng, sức lực của mình với “những người nông dân áo vải cờ đào”.
Khi có chủ trương xây kinh đô mới tại Nghệ An với mục đích lâu dài là làm kinh đô của nước Việt thay vì Phú Xuân (Huế), Nguyễn Huệ - Quang Trung đã gửi thư (tháng 6 và 9 năm 1788) nhờ Nguyễn Thiếp chọn đất. Ban đầu, Quang Trung dự định chọn vùng đất Phù Trạch - Nghệ An để xây dựng kinh đô nhưng sau khi nhận được trình tấu của Nguyễn Thiếp khuyên không nên xây ở Phù Trạch mà chọn vị trí ở Yên Trường. Cuối cùng nhà vua đã nghe Nguyễn Thiếp, rồi ban chiếu (10/1788) gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cùng Trấn thủ Nghệ An Nguyễn Văn Thận về việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô tại núi Dũng Quyết của xã Yên Trường, huyện Châu Lộc, Nghệ An xưa - phường Trung Đô TP Vinh hiện nay.
Mùa thu năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm chánh chủ khảo kỳ thi Hương ở Nghệ An. Năm 1791, vua Quang Trung lại mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân đàm đạo và giao nhận chức trưởng Viện Sùng chính đặt ở Nghệ An. Theo đó nhà vua giao cho Nguyễn Thiếp trông nom về văn hoá, giáo dục và cùng một số sĩ phu khác như Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch dịch sách chữ Hán (như Tứ thư, Ngũ kinh) ra quốc âm.
Nguyễn Thiếp đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho chính sách của vua Quang Trung về văn hoá, giáo dục, về việc lựa chọn người hiền tài dâng lên triều đình, về việc đề nghị vua Quang Trung định lại các khu vực hành chính ở Nghệ An, về việc tuyển chọn lính tráng, việc thu thuế… sao cho phù hợp.
Bên cạnh La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ - Quang Trung còn ghi nhận công lao, trọng dụng nhiều hiền tài khác của vùng đất Xứ Nghệ hiếu học như Ngô Văn Sở, Lê Quốc Cầu, Hồ Phi Chấn, Dương Văn Tào, Nguyễn Nệ. Đặc biệt là Phan Huy Ích được Nguyễn Huệ đưa vào Phú Xuân chuẩn bị cho buổi lễ lên ngôi vua của mình cuối năm 1788.
216 năm đã trôi qua kể từ ngày Quang Trung đột ngột từ trần (16/9/1792) nhưng những chính sách trọng dụng hiền tài của vị vua “áo vải cờ đào” này thì vẫn là kinh nghiệm cho đời sau học tập.
Mai Hùng
Kinh doanh nhà hàng khách sạn, tour du lịch lữ hàng, dịch vụ giải trí