Nhà vua đã nhìn thấy nơi đây: "hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới, thật là chỗ đẹp để đóng đô vậy", một vị trí hội đủ nhiều điều kiện thuận lợi để có thể cai quản đất nước, khống chế trong Nam ngoài Bắc chống giặc ngoại xâm. Năm 1804, vua Gia Long cũng nhìn thấy vị trí đắc địa trên mảnh đất này khi ra chỉ dụ xây trấn thủ Nghệ An tại làng Vĩnh Thành (nay gọi là Thành Cổ Nghệ An, tại phường Cửa Nam).
Rồi khi Việt Nam còn là thuộc địa, người Pháp sớm nhận ra vị trí có nhiều lợi thế của Vinh và đã cho tiến hành xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông từ đường sắt, đường bộ và đường thủy, lúc này Vinh trở thành một vị trí đầu mối giao thông quan trọng của khu vực miền Trung và quốc gia; Vinh được xây dựng thành một trong những đô thị công nghiệp vào loại lớn trong cả nước. Cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỷ trước, Vinh được biết đến như một đô thị với những nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, hãng buôn, nhà băng... nổi tiếng của người Pháp, Hoa kiều, Ấn kiều...Vinh cũng là thành phố của thợ thuyền với hàng vạn công nhân; là cái nôi của phong trào yêu nước và cách mạng.
Từ khi nước ta giành độc lập năm 1945 đến nay, có thể khẳng định rằng Vinh luôn có vị thế là trung tâm không những của tỉnh Nghệ An, mà có tầm ảnh hưởng tới khu vực và quốc gia trên nhiều lĩnh vực. Vị thế đó đã được khẳng định khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 239 phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế - văn hoá vùng Bắc Trung bộ. Đó là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng đặt ra trách nhiệm mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Vinh. Để có thể xây dựng Vinh đạt vị trí trung tâm vùng, phải thấy rằng: tuy vẫn còn những khó khăn và hạn chế, nhưng Vinh có nhiều lợi thế để xây dựng và phát triển.
Trước hết, về vị trí đô thị Vinh được xác định là trung tâm đô thị hoá vùng Bắc Trung bộ trong Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020; được quy hoạch tương đối bài bản và khoa học, có thể tiếp cận một thành phố hiện đại, là đầu mối giao thông quốc gia với đủ các loại hình: đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không; Vinh có vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế do nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây và vành đai kinh tế ven biển, nằm giữa hai trung tâm công nghiệp lớn: Nam Thanh - Bắc Nghệ và Thạch Khê - Vũng Áng, nằm liền kề Khu kinh tế mới Đông Nam - Nghệ An, có nhiều thuận lợi trong hoạt động thương mại, dịch vụ và cung ứng hàng hoá, đào tạo nguồn nhân lực...; Vinh vừa được công nhận đô thị loại 1 tại Quyết định số 1210 ngày 5/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá sự vượt trội trong nỗ lực phát triển đô thị của thành phố.
Trong những năm qua, Vinh đã có bước chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - văn hoá: tổng đầu tư toàn xã hội tăng đáng kể theo thời gian, năm 2006: 3.065 tỷ đồng, năm 2007: 4.010 tỷ đồng, năm 2008: khoảng 4.500 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách năm 2007 trên địa bàn: 1.355 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt 1.264 USD (20,2 triệu đồng), tăng trưởng kinh tế 16,4%, nhịp độ tăng trưởng kinh tế 5 năm: 2003-2007: 13,7 %, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,6 %, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cao... Đến nay, cơ sở hạ tầng đô thị Vinh đã được cải thiện rõ nét, hệ thống giao thông đô thị được tổ chức tương đối tốt, cơ cấu đất đai đô thị phân bổ hợp lý theo quy chuẩn xây dựng, hạ tầng kỹ thuật tuy chưa được hoàn chỉnh, nhiều mặt chưa đồng bộ nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế như công nghiệp, thương mại dịch vụ - du lịch và hỗ trợ tích cực cho kinh tế nông - ngư; một số lĩnh vực phát triển mạnh, đã khẳng định vị trí trung tâm vùng như: giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, khoa học công nghệ, thương mại - du lịch - dịch vụ...
Các chỉ tiêu kinh tế năm 2007 cho thấy Vinh là động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh: GDP thành phố chiếm 22%, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 27,4%, du lịch dịch vụ chiếm 36,3%, thu ngân sách trên địa bàn chiếm 44,8%, vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33,8%; trong khu vực Bắc Trung bộ, Kinh tế Vinh có sự đóng góp với tỷ trọng đáng kể (xem bảng biểu).
Về văn hoá lịch sử, Vinh là trung tâm vùng đất giàu truyền thống lịch sử - cách mạng và là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa xứ Nghệ; quê hương của các danh nhân văn hoá, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong đó nổi bật là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Con người Vinh vốn cần cù trong lao động, chịu khó trong học tập và kiên cường trong đấu tranh chống ngoại xâm; về an ninh - chính trị, an toàn trật tự xã hội luôn được giữ vững...
Để xây dựng phát triển Vinh thành trung tâm kinh tế văn hoá vùng theo Quyết định số 239, kế thừa truyền thống và lịch sử hào hùng 220 năm qua, với truyền thống Thành phố Đỏ anh hùng, khắc phục những tồn tại yếu kém, phát huy lợi thế đã có, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Vinh quyết tâm thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Thứ nhất: Tập trung phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho Thành phố có bước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, vững chắc hơn bằng những giải pháp đồng bộ với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Phát triển mạnh công nghiệp sạch, công nghiệp có lợi thế về lao động, nguyên liệu và thị trường, phát triển các khu công nghiệp vừa và nhỏ đồng bộ với các khu công nghiệp lớn theo quy hoạch. Phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, vận tải, bưu chính, viễn thông... Đặc biệt là đầu tư phát triển các thiết chế du lịch, thể hiện trung tâm du lịch gắn với các vùng du lịch hấp hẫn trong nước và quốc tế. Tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ chế, môi trường thân thiện thu hút mạnh các nhà đầu tư. Thứ hai: Coi trọng công tác quy hoạch, phân kỳ xây dựng theo từng giai đoạn phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước về đô thị, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, xây dựng hệ thống công viên cây xanh đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí hưởng thụ của nhân dân. Huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Khắc phục những tồn tại về môi trường,... đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị mới, tạo chuyển biến mạnh tăng nhanh tốc độ đô thị hoá. Thứ ba: Tập trung thực hiện các Đề án xây dựng trung tâm vùng về giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao. Chú trọng phát triển văn hoá đô thị, chăm lo thực hiện tốt chính sách xã hội, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao ý thức trách nhiệm nghĩa vụ của công dân, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, ý thức giữ gìn bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, văn minh đô thị, sống và làm việc xứng đáng với vị thế là công dân đô thị loại I. Thứ tư: Thường xuyên quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vững mạnh. Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", xây dựng nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động để nhân rộng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong mỗi cán bộ, công nhân viên chức và trong mỗi người dân. Thứ năm: Luôn bám sát các Đề án thực hiện Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Thành phố Vinh thành Trung tâmKinh tế - Văn hoá vùng Bắc Trung bộ, các Đề án thực hiện Nghị quyết 21 của Thành Đảng bộ, Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI để chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả. Phát động mạnh mẽ phong trào thi đua trong toàn dân, tạo nét mới, tinh thần phấn khởi, đoàn kết sáng tạo chung sức chung lòng xây dựng phát triển thành phố với tinh thần phát huy cao nhất truyền thống xứ Nghệ cần cù, thông minh, mang trong mình dòng máu Xô viết Nghệ Tĩnh bất khuất kiên cường; thành phố quê hương Bác Hồ kính yêu. Phát huy truyền thống "đi đầu dậy trước" thành quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chấp nhận thử thách, đưa Thành phố Vinh trở thành Trung tâm kinh tế - văn hoá vùng Bắc Trung bộ trong tương lai gần nhất.
Hoàng Đăng Hảo (Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND Thành phố Vinh)