Gần 2 năm qua, kể từ khi Bộ Chính trị ra Chỉ thị 06-TC/TW ngày 7/11/2006 về tổ chức Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nhìn lại, chúng ta nhận thấy Cuộc vận động đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị với qui mô lớn trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Một trong những hình thức học tập có nội dung phong phú, hấp dẫn, sinh động, thu hút nhiều tầng lớp tham gia là "Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đến nay, Hội thi đang diễn ra vòng sơ khảo toàn quốc, tiến tới chung khảo tại Thủ đô Hà Nội ngày 17- 10-2008.
Vừa qua, Nghệ An có 3 thí sinh tham gia ở khu vực 2 các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ, gồm 16 đơn vị từ Hà Nội đến Thừa Thiên Huế. Đoàn thí sinh Nghệ An đều hoàn thành tốt, trong đó có cháu Vừ Như Hải, 12 tuổi, dân tộc Mông (huyện Kỳ Sơn) đoạt giải khuyến khích với chuyện kể: "Bác mong các cháu được học hành".
Sự phong phú, sinh động, hấp dẫn cả hình thức và nội dung của Hội thi đã nhân lên nhận thức và tình cảm sâu sắc của mỗi chúng ta đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Nhận thức và những tình cảm sâu sắc đó, chính là tiền đề, động lực chủ yếu cho mỗi ngành, mỗi cấp, tổ chức, cá nhân hành động đúng, làm theo gương sáng đạo đức của Người.
Để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có hiệu quả, cần có những hình thức, bước đi, phương pháp phù hợp:
- Cần có nhận thức sâu sắc, cụ thể hơn về tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tốt nhất là suy ngẫm kỹ qua các câu chuyện kể về Bác, để rút ra những ý nghĩa, giá trị tư tưởng đạo đức, từ đó liên hệ với bản thân mình, ngành mình; chỉ ra được ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và biện pháp quyết tâm thực hiện, làm theo.
- Cần phải có phương pháp tốt để làm theo mới đạt hiệu quả tốt. Mỗi khi làm theo, đòi hỏi chúng ta cần lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp đề ra biện pháp tích cực và kiên trì, nhẫn nại, rèn luyện, thực hành ắt thành công.
- Cần kiên trì rèn luyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác qua những chuyện kể về: cách sống, sinh hoạt và làm việc của Bác; về cách đọc, cách học của Bác; cách viết, cách nói và cách đi thực tế của Bác mà bản thân thấy cần thiết học và làm theo. Từ đó, bản thân tự đánh giá kết quả làm theo của mình để rút ra nguyên nhân và biện pháp sắp tới.
- Làm theo đạo đức của Bác Hồ là một quá trình, trong đó có quá trình tự giác rèn luyện của bản thân và nêu gương tốt của người khác để phấn đấu. Đồng thời, cần phát hiện và làm theo các điển hình tiên tiến trong đời sống nhân dân để học tập, làm theo, bổ sung hoàn thiện cho bản thân mình, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, động viên các tổ chức, cá nhân thi đua làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Trong sinh hoạt hàng tháng, hàng quí, hàng năm phải có sơ kết, tổng kết đánh giá thi đua khen thưởng kịp thời, hướng tới mục tiêu chung, xây dựng con người mới và đời sống văn hoá nơi cộng đồng dân cư, góp phần làm cho tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là bộ phận quan trọng trong nền tảng tinh thần xã hội ta
Bùi Đình Sâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
Nguồn Báo Nghệ An