Ngày 1/7/2011, Luật An toàn thực phẩm sẽ chính thức có hiệu lực. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật cũng đang dần được hoàn thiện.
Khó cũng phải làm GS.TS Phan Thị Kim, Nguyên Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế, Chủ tịch Hội KHKT ATTP Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề sức khoẻ con người phải được quan tâm đặc biệt. Việc Luật ATTP sắp có hiệu lực có ý nghĩa rất quan trọng, do đó, dù còn có những khó khăn, Nghị định hướng dẫn Luật cũng phải cố gắng giải quyết những vấn đề gai góc vì sức khoẻ người dân. Theo các chuyên gia, chất lượng ATTP hiện nay trên thế giới rất đáng quan ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng. Mầm bệnh có thể nhiễm vào thực phẩm từ khâu sản xuất đến vận chuyển và bảo quản. Hệ quả là tại nhiều nước đang phát triển có đến 3/4 dân chúng bị nhiễm giun sán mà nguyên nhân là ăn phải thực phẩm kém vệ sinh.
Vấn đề VSATTP sẽ được quản lý tốt hơn khi Luật ATTP có hiệu lực đầy đủ từ 1/7.
Thực phẩm không an toàn có hóa chất độc hại là nguyên nhân của 35% ca ung thư tại các nước nghèo. Điều đáng nói là không chỉ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mới vi phạm các chuẩn mực VSATTP, mà ngay cả các công ty đa quốc lớn cũng có lúc vi phạm nghiêm trọng. Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 200 công ty kinh doanh, 79 cơ sở sản xuất và 29.000 cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu nhập hàng về để sang chiết, đóng gói. Hằng năm, kiểm tra tại cửa khẩu vẫn còn 4-5% số lô hàng nhập không đạt yêu cầu. Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2004 - 2009 cả nước đã xảy ra 1.058 vụ ngộ độc thực phẩm làm 298 người tử vong, với trung bình 176,3 vụ/năm và 5.302 người bị ngộ độc thực phẩm/năm. Riêng năm 2010, cả nước đã xảy ra 175 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 34 vụ ngộ độc trên 30 người làm 5.664 người mắc, 42 trường hợp tử vong. Phân rõ trách nhiệm
PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP cho rằng, vấn đề quản lý ATTP ở nước ta có nhiều cái khó, một phần do tập quán sinh hoạt của người dân. Hiện cả nước có khoảng 9 triệu hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm. Mặc dù công tác quản lý đã được tăng cường song trong những năm qua cũng như muối bỏ bể, vấn đề tồn dư chất bảo quản, hóa chất, chất gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng vẫn chưa được kiểm soát tốt. Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho biết, kết quả kiểm tra tại một số địa phương cho thấy, nhóm vật tư nông nghiệp có 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đạt yêu cầu; thủy hải sản tới 60%; thuốc thú y và bảo vệ thực vật 68%; chế biến rau quả 67%; nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không có giấy phép, quản lý không thống nhất. Có một thực tế là có khoảng 30.000 ngành hang có sự chồng chéo về quản lý giữa 3 bộ: NN&PTNT, Y tế và Công Thương. Việc phân công quản lý về ATTP giữa 3 Bộ này lâu nay vẫn chưa đạt kết quả tốt. Chính vì vậy, người dân đang mong chờ Luật ATTP có hiệu lực đầy đủ từ 1/7 tới đây sẽ giải quyết được những vấn đề nổi cộm nhấn liên quan đến sức khỏe người dân. Hiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, do Bộ Y tế soạn thảo, đang được đem ra lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, trách nhiệm quản lý liên quan đến các Bộ đã được phân công cụ thể. Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng quy định rõ việc phân cấp quản lý về ATVSTP cho UBND các cấp. Theo dự thảo, Bộ Y tế có trách nhiệm chính. Điều này được hầu hết các chuyên gia tán thành, bởi lẽ phải có một cơ quan chuyên trách để tránh xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Theo PGS.TS Trần Đáng, Bộ Y tế “phải đảm bảo thực phẩm đó an toàn trước khi người tiêu dùng đưa vào miệng”. Thực tế cũng cho thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giao trách nhiệm chính về quản lý ATTP cho bộ sức khỏe (Bộ Y tế). Tại Mỹ có Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm (CDC), Trung Quốc cũng có cơ quan tương tự. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mặc dù phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các Bộ, ngành nhưng trên thực tế việc phân định rõ là không dễ. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về ATTP với mục tiêu vì sức khỏe người dân.
Theo VOV |