Đừng để bị lừa khi mua 'hàng chống nóng'
Sau một hồi tìm hiểu, chị bán hàng khuyên tôi nên chọn loại kích điện có công suất 1,2kW vì: "Nhà sản xuất ghi 1,2kw nhưng thực tế chỉ được 800W thôi. Loại máy ghi 800W, chỉ có công suất 500W".
Nhãn mác ghi công suất 1.000 W, nhưng mang sản phẩm đi kiểm tra, công suất chưa đạt tới 400 W. Nhãn mác một đằng, chất lượng một nẻo. Đó là một phần thực tế đang diễn ra trên thị trường hàng chống nóng, chống mất điện hiện nay.

Nỗi lo mất điện, thiếu điện đã khiến người tiêu dùng đổ xô đi tìm mua những mặt hàng chống nóng. Sản phẩm chống nóng đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại. Nhưng điều đáng lo ngại là thói quen mua sắm của nhiều người tiêu dùng lại lệ thuộc vào chính cách giới thiệu, hướng dẫn sử dụng của người bán hàng.

Sản phẩm tích điện: nhiều loại sản phẩm, nhiều mức giá

Thị trường hàng chống nóng ở Hà Nội bắt đầu rục rịch vào mùa từ Tết ra đến nay. Theo nhân viên của cửa hàng thiết bị điện cao cấp Doanh Mai ở 183A Phùng Hưng thì trung bình mỗi ngày chị bán được gần chục chiếc quạt tích điện, đây là mặt hàng bán chạy nhất trong những ngày qua. Người tiêu dùng có tâm lý mua đón đầu đề phòng vào những đợt cao điểm nắng nóng, các loại quạt tích điện, máy phát điện, điều hoà, quạt làm mát "cháy" hàng, giá tăng cao.

Năm nay, ngoài các loại quạt tích điện do Trung Quốc sản xuất có mẫu mã "cổ truyền" đã xuất hiện nhiều loại quạt cây lớn, có điều khiển từ xa, hẹn giờ, có chùm đèn sáng, chạy được tới 11 tiếng. Những loại quạt cây này đều có mẫu mã phong phú, bắt mắt, đặc biệt đã xuất hiện quạt cây tích điện mang thương hiệu Vioa do Việt Nam sản xuất, giá bán 1.050.000đ/chiếc.

Chỉ vào chiếc quạt cây tích điện trông khá hiện đại, mẫu mã đẹp, người bán hàng tại 41 Ngõ Trạm giới thiệu: "Đây là quạt mới, của nước ngoài sản xuất, giá bán 1,2 triệu đồng". Khi chúng tôi hỏi xuất xứ chiếc quạt thì người bán hàng kêu "không rõ nước nào, bao bì toàn tiếng Anh". Nhưng bắt mắt về hình thức nên rất nhiều khách hàng đã bị "ngợp" bởi chiếc quạt này, hỏi mua tới tấp. Loại quạt cây tích điện Daikin của Nhật Bản sản xuất tại Trung Quốc có giá 1,2 triệu đồng, chạy được 9 tiếng, cũng là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong năm nay.

Máy phát điện, ắc quy, kích điện vào mùa "sốt" hàng.

Một mặt hàng chống nóng không kém phần sôi động kể từ đầu tháng 4 đến nay là máy phát điện. Chúng tôi vào cửa hàng máy phát điện khá lớn nằm ở đường Tràng Thi và được nhân viên bán hàng cho biết: "Máy phát điện bán chạy từ Tết ra đến nay. Mua bây giờ giá thành còn rẻ, vào vụ mất điện thì không có giá này đâu". Vì là đầu vụ nên thị trường máy phát điện khá phong phú.

Máy phát điện Honda loại từ 2,2KVA đến 2,5KVA của Nhật sản xuất tại Việt Nam được bán với giá 12.600.000đ đến 14.800.000đ; máy phát điện Elemax 2.900 SH đến 3.200 SH nhập khẩu từ Nhật có giá từ 19.500.000-24.800.000đ; máy P2.200 của Mỹ sản xuất tại Trung Quốc có giá 13.500.000đ; máy Yamaha 2KW có giá 19 triệu đồng.

 Mua máy kích điện: cẩn trọng với chiêu "treo đầu dê, bán thịt chó"

Để tìm được một chiếc máy phát điện có chất lượng tốt hiện nay, số tiền người tiêu dùng phải bỏ ra là quá cao. Đó là chưa kể đến chi phí tiêu hao xăng khi sử dụng, cộng với tiếng ồn, khói độc phát ra. Bởi vậy, từ năm trước, loại sản phẩm dành cho ngày mất điện được nhiều người lựa chọn chính là ắc quy và bộ kích điện (Inverter) kèm theo. Dùng ắc quy cũng chạy quạt, thắp sáng, xem tivi... nhưng lại không gây ồn, không ô nhiễm môi trường. Chỉ cần có khoảng 5 triệu đồng là người mua đã có được bộ ắc quy và kích điện có chất lượng tốt. Nhưng, theo giới chuyên môn thì sản phẩm này không bền bằng máy phát điện.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại ắc quy và máy kích điện. Tại một cửa hàng bán ắc quy và kích điện trên phố Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, Hà Nội bày bán khá đa dạng chủng loại sản phẩm. Loại máy kích điện được chị bán hàng giới thiệu có xuất xứ chủ yếu là của Việt Nam và nhập khẩu từ Ấn Độ. Giá trung bình mỗi chiếc hơn 2 triệu đồng. Có máy ghi công suất 1,2kW, có máy 800W.

Sau một hồi tìm hiểu, chị bán hàng khuyên tôi nên chọn loại kích điện có công suất 1,2kW vì: "Nhà sản xuất ghi 1,2kw nhưng thực tế chỉ được 800W thôi. Loại máy ghi 800W, chỉ có công suất 500W". Nếu đúng vậy, người tiêu dùng đã bị nhà sản xuất lợi dụng tâm lý cần mua để lừa bán sản phẩm.

Nói về vấn đề này, Tiến sỹ Vật lý Nguyễn Văn Khải cho chúng tôi biết: "Hiện nay do hiện tượng cắt điện luân phiên hoặc không báo trước, chúng ta phải dùng thêm năng lượng điện từ các nguồn như máy phát điện, pin mặt trời, biogas hoặc sạc điện và ắc quy để sử dụng các dụng cụ điện trong nhà. Tiện lợi nhất là nên mua ắc quy khô để sạc điện dùng cho chiếu sáng. Khi đó không nên dùng điều hòa, máy giặt, nồi cơm, bàn là".

Ông nhấn mạnh: "Đã có nhiều người mang máy kích điện đến chỗ tôi kiểm tra, nhưng quá trình kiểm tra công suất của những loại máy được mang đến, tôi chưa thấy chiếc nào có công suất đến 400W". Hiện nay, nhiều cửa hàng không treo bảng giá, không có thiết bị đo để kiểm chứng nên không thể biết công suất ghi trên bao bì và công suất thực có chênh nhau hay không. Nếu sử dụng quá công suất, các thiết bị điện sẽ dễ bị chập cháy, ắc quy và bộ kích điện cũng rất nhanh hỏng.

Tuy mới bước vào đầu mùa, nhưng người tiêu dùng cũng cần lưu ý khi mua các mặt hàng chống nóng. Khi mua cần yêu cầu chế độ bảo hành của cửa hàng để lỡ mua phải máy "lỗi" còn có cơ hội đổi được chiếc khác. Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, xin tư vấn của các nhà khoa học, yêu cầu người bán hàng kiểm tra công suất của máy ngay tại cửa hàng, bên cạnh đó cũng cần khảo sát giá, chọn mua hàng của những thương hiệu có uy tín, có tên tuổi để tránh rủi ro.

Trong gia đình, quá trình dùng bộ kích điện (Inverter), nên xem kỹ các thông số sao cho Inverter ta mua phải có công suất tiêu thụ lớn hơn công suất điện mà ta sẽ sử dụng từ 120%-150%. Như vậy mới đảm bảo được độ bền cho ắc quy và Inverter, tránh mất an toàn, chập cháy thiết bị điện do dùng quá công suất.

Trường hợp phải sử dụng điện năng với công suất lớn cho các nhà máy, khu dịch vụ lớn thì phải dùng máy phát điện. Chú ý trước khi máy phát hoạt động phải tắt hết đèn đi. Sau khi máy chạy từ 3-5 phút mới bật đèn lên. Khi có điện lưới, trước khi tắt máy phát điện cũng phải tắt hết bóng đèn. Máy phát điện phải để chỗ thoáng, có gió, không để chỗ kín vì nó xả ra khí SO2 và CO độc hại, có thể gây chết người. (Tiến sỹ Vật lý Nguyễn Văn Khải)

CAND
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh