“Quy định bắt buộc lắp hộp đen giám sát hành trình (GPS) tạo ra cơ hội rất tốt trong quản lý vận tải, cho doanh nghiệp khai thác và đặc biệt quyền lợi của hành khách về chất lượng dịch vụ khi đi xe được đảm bảo” - Tiến sỹ Khuất Việt Hùng khẳng định.
Để làm rõ những ưu điểm và hạn chế của thiết bị hộp đen mà các phương tiện buộc phải lắp đặt từ 1/7 tới đây, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Khuất Việt Hùng - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế trường Đại học Giao thông Vận tải, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, trong khi việc quản lý phương tiện giao thông ở Việt Nam còn nhiều rối rắm, ông đánh giá như thế nào về việc bắt buộc lắp đặt GPS từ ngày 1/7 tới đây?
Rối là ở giai đoạn trước đây, còn hiện nay thì có vẻ như nó đang đi vào quỹ đạo. Việc áp dụng lắp đặt GPS với chi phí càng ngày càng thấp như hiện nay là một cơ hội rất tốt để chúng ta quản lý phương tiện giao thông.
Tiến sỹ Khuất Việt Hùng: "GPS sẽ giúp cho hành khách có được sự chủ động,
quyền lợi của hành khách được đảm bảo".
Ông có thể nói cụ thể hơn về cơ hội này?
GPS có tính năng ghi liên tục, lưu giữ và truyền phát những thông tin tối thiểu về quá trình khai thác và vận hành của phương tiện vận tải, như: tốc độ xe chạy, lượng nhiên liệu, số lần dừng đỗ, số lần mở cửa xe đón trả khách; thời gian làm việc của lái xe...
Với lợi thế lưu giữ rất nhiều những thông tin, kể cả thông tin về đăng kiểm chất lượng phương tiện, thậm chí về vấn đề khí thải, GSP tạo ra điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý thắt chặt hơn việc kiểm soát các phương tiện khi tham gia giao thông.
Tiện ích như ông đã nói, nhưng những hạn chế khi áp dụng GPS tại Việt Nam không phải là không có thưa ông?
Khó khăn cơ bản khi áp dụng GPS là hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, văn bản Luật quy định về tính bảo mật thông tin cho doanh nghiệp chưa có. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã lắp đặt GPS phàn nàn về chất lượng của bản đồ quan trắc, năng lực viễn thông…
Trên thực tế, việc lắp đặt GPS đối với những xe chạy đường dài không có vấn đề gì, nhưng những xe vận tải công cộng như taxi, bus… thì độ chính xác đòi hỏi rất cao.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thiết bị GPS ở Việt Nam cũng là chuyện không bình thường. Bằng chứng là trong khi các nước trên thế giới đã áp dụng GPS lâu nay họ tranh nhau bán giải pháp với giá rất đắt thì các doanh nghiệp ở nước ta lại tranh nhau bán thiết bị và phần mềm đi kèm.
Nói như vậy thì sự tác động của GPS lên hành khách và doanh nghiệp là rất lớn?
Chúng ta phải đồng ý với nhau rằng hiện nay việc sử dụng hệ thống thông tin định vị cho doanh nghiệp là tốt.
Thực ra, trong cạnh tranh kinh doanh, các doanh nghiệp lắp đặt GPS không phải là nhu cầu của tự thân họ mà là do thị trường tạo ra, là do hành khách có nhu cầu lựa chọn dịch vụ tốt hơn. Doanh nghiệp phải chứng minh rằng dịch vụ của mình có chất lượng tốt, có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của hành khách.
Khi chúng ta đang định hướng phát triển vận tải công cộng đô thị và công cộng liên tỉnh thì độ chính xác của thiết bị GPS sẽ giúp cho hành khách có được sự chủ động, quyền lợi của hành khách được đảm bảo.
Các phương tiện vận tải có cự ly tuyến trên 500km bắt buộc phải lắp đặt hộp đen từ 1/7
Rõ ràng khi áp dụng GPS thì nhà quản lý, nhà khai thác và nhà sử dụng dịch vụ phương tiện đều có lợi, nhưng thời gian từ nay đến 1/7 không còn nhiều, theo ông việc triển khai lắp đặt GPS có thể thực hiện đúng như kế hoạch?
Không còn nhiều thời gian nhưng doanh nghiệp có nhiều cách để đối phó với quy định, vấn đề ở đây là thanh tra kiểm tra việc thực hiện quy định này như thế nào.
Rất khó để 1 quốc gia đang phát triển như Việt Nam có được sự đồng bộ về mọi mặt, vì vậy để quản lý GPS thì cần hoàn thiện khả năng thực thi quy định này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Quỳnh Anh (Dân trí)
Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định: từ ngày 1/7/2011, tất cả phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có cự ly tuyến trên 500km bắt buộc phải lắp đặt hộp đen - thiết bị giám sát hành trình (GPS). Các xe khách đường dài trên 300 km sẽ phải lắp hộp đen từ ngày 1/1/2012. Riêng lộ trình lắp đặt cho tất cả xe khách, xe buýt bắt đầu từ ngày 1/7/2012.
Ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết: “Hiện nay vận tải tại Việt Nam vẫn còn manh mún, về tổng thể thì quy định lắp đặt GPS có nhiều ưu điểm và có lợi cho nhiều bên. Đối với doanh nghiệp lắp đặt GPS sẽ tốt hơn trong việc quản lý hành trình chạy xe, bảo đảm về tốc độ và an toàn phương tiện; quản lý lái xe, phụ xe khi tham gia vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa…
Đối với hành khách sẽ được hưởng lợi nhiều hơn về chất lượng dịch vụ, quyền lợi khi đi xe. Thông qua GPS, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý phương tiện vận tải, thuận lợi trong phân luồng giao thông và an toàn giao thông”.
Cũng theo ông Trung: “Việc áp dụng GPS nếu khai thác tốt được các dữ liệu trong đó thì chắc chắn sẽ giúp cải thiện được rất nhiều về tình trạng xe dù bến cóc, phóng nhanh vượt ẩu, xe chở quá khổ quá tải và hoạt động vận tải sẽ tốt hơn…”. |