| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 1,317
Tất cả: 99,763,451
 
 
Bản in
Chùa Đại Tuệ: Một không gian tâm linh thiêng liêng
Tin đăng ngày: 18/4/2011 - Xem: 3706
 
Tương truyền chùa Đại Tuệ được xây từ thời vua Mai Hắc Đế thế kỷ thứ 7 nhưng đến thế kỷ 15 được Hồ Quý Ly cho xây cất để thờ Phật bà Đại Tuệ.
Sáng 17/4, tại xã Nam Anh (Nam Đàn), Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Chùa Đại Tuệ, đã tổ chức đại lễ bổ nhiệm trụ trì và khởi công xây dựng chùa. Tại buổi lễ này, Thượng toạ Thích Thọ Lạc được bổ nhiệm trụ trì chùa Đại Tuệ. Để bạn đọc hiểu thêm về sự tích chùa, Ban biên tập giới thiệu tác phẩm “Chùa Đại Tuệ - Một không gian tâm linh thiêng liêng.
 
Chùa Đại Tuệ nằm trên một quả núi (thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn) của dãy núi Đại Huệ một trong những danh thắng bậc nhất xứ Nghệ. Từ đây, khách thập phương nhìn thấy toàn cảnh của một vùng rộng lớn từ Hòn Ngư, biển Đông cho tới Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, từ dãy Hồng Lĩnh, dãy Thiên Nhẫn hùng vĩ cho đến Lam giang, La giang thơ mộng của vùng Đức Thọ, Nghi Xuân.
 

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thắp hương tại chùa Đại Tuệ
 
 
Với 600 năm qua, chùa Đại Tuệ không chỉ gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân từ thế hệ này qua thế hệ khác mà còn là nơi lưu gữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa của xứ Nghệ nói riêng và của nước Việt nói chung. Đó không chỉ là một ngôi chùa có một không gian tâm linh thiêng liêng mà còn là một danh thắng kỳ thú nằm trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”.
 
Truyền thuyết và sự thật
 
Vào khoảng 8 giờ sáng, ngày 23 tháng 9 năm 2009, ông Nguyễn Nghĩa Bình, một người coi giữ chùa hơn 20 năm nay, trong lúc đang quét dọn ở trong khuôn viên thì thấy hai “cụ” rùa, mai đen nhánh đang ẩn im lìm sau ngôi chùa. Thấy linh vật, ông bèn thắp hương cầu khấn xin được rước hai “cụ” vào trong chùa nghỉ ngơi.
 
Điều làm ông Bình kinh ngạc là từ hồi lên ở trông coi chùa tới giờ chưa bao giờ ông thấy một con vật nào xuất hiện quanh đây thế mà lần này lại xuất hiện hai “cụ rùa” to đến thế. Ngạc nhiên hơn, hai “cụ” chỉ ăn chuối chín và ăn không nhiều như những con rùa khác mà ông từng biết.
 
Tin “hai cụ” rùa xuất hiện tại “chùa Đại Tuệ” làm xôn xao dư luận trong vùng khiến nhiều người kéo nhau đến để chiêm bái. Trong đó có người ước chừng các “cụ” dễ đã thọ đến 140 tuổi và nặng đến 15kg chứ không ít. Bà con trong vùng tin rằng không phải ngẫu nhiên mà hai “cụ” rùa xuất hiện ở Chùa Đại Tuệ.
 
Sách “Nghệ An cổ lục” chép rằng về vùng đất này “thời cổ có một ngôi sao sa xuống đỉnh núi, sắc sao sáng loá, hình như sao chổi, sao hoá đá, đá ấy rất thiêng”. Thực tế, sau lưng động chùa là đỉnh động Thăng Thiên (tương truyền đây là nơi người hạ giới lên trời và nơi người trời xuống hạ giới).
 
Phía tây chùa chừng 100m có một tảng đá lớn khoảng 2m3, khi dùng đá gõ vào thì âm thanh phát ra như tiếng mõ, bà con gọi là đá Mõ, phía Đông chếch Bắc có một tảng đá tương tự nhưng gõ vào lại nghe như tiếng chuông đồng gọi là đá Chuông. Ở phía trước chùa có một tảng đá lớn trông từa tựa một ngai vàng gọi là Thạch Ngai.
 
Chuyện kể rằng nơi đây những bậc đế vương như Hồ Quý Ly, Quang Trung Nguyễn Huệ từng ngồi chỉ huy quân tập trận trước khi ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh. Xưa nay ít người dám ngồi lên hòn “Thạch Ngai” này. Cách đó không xa, có một cái giếng, sâu chỉ 2m, tuy nằm trên đỉnh núi nhưng quanh năm nước không bao giờ cạn.
 
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí ” thì nguồn nước trên đình núi Đại Huệ là một trong sáu nguồn nước thiêng của nước Việt mà Minh Thái Tổ (Trung Quốc) ở thế kỷ thứ 14, hàng năm điều sứ thần sang tận nơi tế lễ. Đó là chưa kể đến sườn núi hai bên chùa có khe Trúc, khe Mai cùng với một ao sen.
 
Dân gian trong vùng còn lưu truyền một bài thơ cổ “Ngai Thạch vững chãi/ Chuông đá ngân vang/ Mõ đá vọng sang/ Bàn tiên thượng đỉnh/ Ao sen phảng phất/ Giếng nước thánh tràn/ Ngôi chùa tận trên mây/ người xây, thiên tạo hoá”.
 
Tương truyền chùa Đại Tuệ được xây từ thời vua Mai Hắc Đế thế kỷ thứ 7 nhưng đến thế kỷ 15 được Hồ Quý Ly cho xây cất để thờ Phật bà Đại Tuệ. Trong một đêm ngủ say, nhà vua mơ thấy Bà chỉ vẽ cho cách xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh mà trước đó ông xây mãi không thành.
 
Cũng theo lời các bô lão trong vùng thì một trong hai ngôi mộ lớn được ghép bằng đá nằm trong khuôn viên chùa là mộ của Hoàng đế Cảnh Thịnh (Quang Toản con vua Quang Trung Nguyễn Huệ). Thực hư thế nào đang được các nhà nghiên cứu làm rõ.
 
Cùng với số di tích và những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, hiện chùa Đại Tuệ còn lưu giữ pho tượng Phật Tam Thế, 5 bộ sách kinh phật, bia đá, một số bát hương, bát gốm cổ. Mấy năm qua nhân dân trong vùng đã bỏ công sức xây dựng được một gian nhà thờ phật và một số lán nhỏ để khách hành hương dừng chân. Tuy nhiên, với sự bào mòn của thời gian qua nhiều thế kỷ, chùa Đại Tuệ - một di tích lịch sử văn hoá, một thắng cảnh còn là một phế tích.
 
Trước hiện trạng trên đã được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu cùng với nhiều nhà hảo tâm và đông đảo nhân dân trên địa bàn quan tâm với mục đích phục chế chùa Đại Tuệ trở lại vị thế như ngôi chùa vốn có.
 
Phục dựng chùa Đại Tuệ để xứng tầm vị thế vốn có
 
Ngày 28/11/2010, trong một dịp về thăm và làm việc tại Nghệ An, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã về thăm và thắp hương tại chùa Đại Tuệ. Nói chuyện với những người có mặt, Phó Thủ tướng cho rằng việc phục dựng ngôi chùa này là một việc làm cần thiết nhằm đáp ứng nguyện vọng nhân dân và với các bậc tiền nhân.
 
Trước đó, ngày 18/10/2009, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học về chùa Đại Tuệ với sự có mặt của đại diện các ban ngành, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Giáo sư Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội sử học Việt Nam, tiến sĩ Trần Lâm Biền cố vấn cao cấp vụ Di sản Bộ VH - TT & DL, Phó Giáo sư Ninh Viết Giao, tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh là những người có tầm hiểu biết về nền văn hoá Phật giáo đã có mặt và phát biểu tham luận.
 
Hội thảo đã đánh giá giá trị lịch sử cũng như giá trị tâm linh gắn liền với sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân gian trong suốt 600 năm qua và khẳng định vị trí quan trọng của chùa Đại Tuệ trong hệ thống giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời Hội thảo cũng đề nghị phục chế chùa.
 
Đại Tuệ cần phải làm kịp thời
 
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, cách đây không lâu một Ban vận động tài trợ xây dựng chùa Đại Tuệ được thành lập do Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - nguyên Tư lệnh Quân khu IV làm trưởng ban.
 
Tham gia Ban vận động có các thành viên như Thiếu tướng Võ Trọng Thanh - nguyên Giám đốc Công an Nghệ An, và lãnh đạo các ban ngành đương chức như các ông: Cao Đăng Vĩnh - Giám đốc sở VH - TT&DL; Nguyễn Văn Đỗ, ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc sở GTVT; ông Thái Khắc Thư - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, bà Thái Thị Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, nhạc sỹ Phan Thanh Chương, ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch xã Nam Anh…
 
Sáng ngày hôm qua (17/4), nhằm vào ngày rằm tháng 3 năm Tân Mão, thể theo nguyện vọng của nhân dân và phật tử thập phương, được sự hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự đồng ý của các cấp chính quyền, cơ quan có thẩm quyền của Giáo hội Phật giáo đã tổ chức lễ bổ nhiệm sư trụ trì và tổ chức lễ động thổ phục dựng chùa Đại Huệ.
 
Đại diện các cấp chính quyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các ban ngành liên quan và đông đảo phật tử, nhân dân đã đến tham dự.
 
Theo phác thảo quy hoạch, nhà chùa sẽ có cổng tam quan, tượng La Hán, quảng trường lớn mà toạ lạc chính giữa là bức tượng Phật mẫu. Công trình chính điện là một toà nhà 5 gian, có kiến trúc tương tự thời niên đại xây dựng chùa Đại Tuệ xưa kia. Các công trình khác như tả vu, hữu vu, tháp chuông… về cơ bản được giữ nguyên như trước.
 
Chắc chắn, một ngày gần đây, sau khi đã phục dựng, chùa Đại Tuệ sẽ là một nơi sinh hoạt tôn giáo thiêng liêng đồng thời là một di tích lịch sử - văn hóa gắn với các điểm du lịch nổi tiếng hấp dẫn trên đất Nghệ.

Tác giả bài viết: Lê Thạch Vĩnh

Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An

  Các bài mới:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028(15/4/2023)
BHXH Việt Nam bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng BHXH, BHTN trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”(16/3/2023)
Tham gia BHYT trước 01/7/2023: Người dân không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở(24/2/2023)
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI(27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ"(27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào?(27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An(27/1/2023)
Nghệ An: 129 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý dịp Tết(27/1/2023)
  Thông tin văn hóa:
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI (27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ" (27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào? (27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An (27/1/2023)
Mâm cỗ cúng mùng 1 Tết cần có những gì? (20/1/2023)
Vì sao năm Mão của Việt Nam là mèo trong khi các nước châu Á lại là thỏ? (20/1/2023)
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023 (9/1/2023)
Nghệ An có 6 nghệ sĩ được xướng tên tại lễ vinh danh các nghệ sĩ tiêu biểu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn năm 2022 (9/1/2023)
Phan Bội Châu với tư tưởng đoàn kết dân tộc trong đấu tranh cách mạng (26/12/2022)
Lan tỏa mạnh mẽ giá trị di sản Hồ Xuân Hương trên quê hương Nghệ An (28/11/2022)
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website