Khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu vừa qua đã làm cho khoảng 64 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực. Con số này còn tăng lên sau những thảm họa thiên nhiên ở châu Á và những biến động chính trị ở Bắc Phi.
Chính vì vậy, hợp tác quốc tế trong việc bảo đảm đời sống và phúc lợi cho mọi người dân càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đây thông điệp của Hội nghị Á - Âu (ASEM) về Lưới an toàn xã hội khai mạc tại Hà Nội.
Thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản hơn 1 tháng trước; những biến động chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi đã làm cho hàng triệu người ở nhiều quốc gia bị mất việc làm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lương thực do biến đổi khí hậu cũng đang khiến hàng triệu nguời nghèo khác rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn. Điều này cho thấy: Chính sách an sinh xã hội ở một quốc gia sẽ tác động trực tiếp tới sự tăng trưởng bền vững của những quốc gia khác.
Các đại biểu tham gia Diễn đàn. Ảnh: Chinhphu.vn
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện tại và tương lai chúng ta sẽ chịu nhiều thách thức, vì chúng ta là một trong những nước chịu tác động của biến đổi khí hậu và điều đó sẽ đặt ra nhiệm vụ xây dựng lưới an sinh xã hội rất cấp bách. Ta đưa ra chủ đề này để tranh thủ những kinh nghiệm và bài học của các nước đi trước để xây dựng chính sách này”.
Thực tế đang chứng minh không chỉ ở những nước nghèo, hoặc ngay cả các nước đang phát triển việc kết hợp giữa Nhà nước và Tư nhân để triển khai các hoạt động trợ giúp và an sinh xã hội là hình thức rất hiệu quả.
Ông Đặng Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: “Bản thân mô hình Công - Tư thì chúng ta đang có các bước tiến triển. Có những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể tham gia khá nhiều: Y tế, việc làm… Còn toàn bộ các lĩnh vực như trợ giúp xã hội thì vai trò Nhà nước vẫn phải là lớn hơn. Vấn đề hiện nay là làm sao để khu vực tư nhân có nhiều thông tin hơn”.
Kinh nghiệm từ các nước châu Âu cho thấy, trong cuộc khủng hoảng vừa qua, một hệ thống bảo hiểm xã hội tốt đã như một biện pháp cân bằng tự động. Vì mặc dù gần 10% dân số ở độ tuổi lao động không có việc làm và 80 triệu người dân châu Âu sống dưới chuẩn nghèo, nhưng tỷ lệ chi tiêu cho bảo hiểm xã hội năm ngoái vẫn tăng lên. Và những nước có hệ thống bảo hiểm xã hội vững mạnh có ngân sách ổn định để giải quyết các vấn đề do khủng hoảng mang lại.
Bà Eeva Kuuskoski, Quốc vụ khanh Các vấn đề Xã hội và Y tế Phần Lan phát biểu rằng: “Tình hình các nước châu Á khác với các nước châu Âu. Nhưng chúng ta cũng có những điểm chung, có thể học tập lẫn nhau. Mỗi quốc gia phải tự quyết cho mình, nhưng quá trình thực hiện phải rất chi tiết. Quan điểm của người dân và của chính phủ về an sinh xã hội và về vấn đề kinh tế phải thống nhất, không có sự đối lập”.
Trong thời gian qua, vấn đề bảo đảm phúc lợi cho người dân là một trong những ưu tiên hợp tác của Diễn đàn Á - Âu ASEM và sự khác biệt về văn hóa, lịch sử và tiềm lực kinh tế không phải là một cản trở đối với nỗ lực hợp tác mới này nhằm bảo vệ phúc lợi cho hơn 60% dân số thế giới.
Diễn đàn ASEM về “Lưới an toàn xã hội: Tăng cuờng hợp tác nhằm ứng phó với những thách thức hậu khủng hoảng” sẽ kết thúc ngày hôm nay 19/4.