Câu dân ca quá đỗi quen thuộc với mỗi người con xứ Nghệ. Mỗi khi được nghe lòng vẫn da diết, nhớ nhung. Xa quê bao năm, lạc ở phương trời đất khách, lòng vẫn đau đáu.
“…Ai biết nước sông Lam răng là trong răng là đục - thì mới biết sống cuộc đời răng là nhục là ơ… vinh; chứ thuyền em lên thác xuống ghềnh, nước non là nghĩa là tình ai ơi…”
Câu dân ca quá đỗi quen thuộc với mỗi người con xứ Nghệ. Mỗi khi được nghe lòng vẫn da diết, nhớ nhung. Xa quê bao năm, lạc ở phương trời đất khách, lòng vẫn đau đáu.
Và còn day dứt hơn, khi đâu đó trên cao nguyên này nơi tôi sinh sống và làm việc (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) người ta vẫn cho rằng: “Xứ Nghệ, mảnh đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra bao bậc danh tài, nơi đây con người thật thông minh chịu khó, dũng cảm kiên cường, dám nghĩ, dám làm và rất đỗi thủy chung…”.
Nhà ngoại tôi nằm cạnh dòng Lam. Ngày đó, cuộc sống lên thác xuống ghềnh, bà con làng trên xóm dưới trong đó có gia đình của mẹ vẫn ngày ngày chuyển gạo, cám ngược xuôi trên bến Lam Giang. Và cũng bên bến sông này, khi mỗi chiều tắt nắng, bóng tối phủ xuống chào đón ánh trăng tháng 8, trên mỗi con thuyền lại cất cao tiếng hát, câu hò ví dặm giận thương.
Xa quê đã lâu, sự biến cải của thời gian và văn hóa của vùng miền đôi khi để cho bản thân mỗi chúng tôi vô tình lãng quên những nét văn hóa quê hương. Nhưng cuộc đời thật may mắn, cũng trên mảnh đất cao nguyên này, tôi đã vô tình gặp những người con của xứ Nghệ giờ đã là cố hương.
Chừng đó thời gian, dẫu để một kiếp người đôi khi vô tình quên đi những thứ không thể nhớ. Tâm sự với tôi, ông đã chất chứa nỗi lòng khi nhắc đến quê hương. 70 tuổi, 30 năm xa quê ông cũng không muốn nhắc đến tên tuổi, địa chỉ của mình… nhưng tôi đã nghẹn lòng khi nghe giọng già lí rí “Con người quê ta là vậy, mộc mạc chân thành như hạt lúa củ khoai, nên câu hát quê ta cũng mặn mà chân chất, da diết đến đằm thắm tình người…”.
Tôi đưa tay chống cằm hướng mắt nhìn xa xăm, dẫu biết rằng trong khóe mắt ông đã ứa ra những dòng cảm xúc bằng tâm tình, tha thiết của người con quê hương.
Thật vậy, với mỗi chúng tôi, với quê hương xứ Nghệ, câu dân ca là bản sắc văn hóa của mỗi vùng quê. Trong đó, câu dân ca hò ví dặm là tâm hồn, là diện mạo, là cốt cách của người dân xứ Nghệ.
Về với quê hương trong nắng hè trải dài trên những cánh đồng lúa đang hương sắc thì con gái. Sự đổi thay, biến đổi đã đưa quê tôi theo một nhịp sống hiện đại. Chiều muộn, tôi rảo bước trên con đê cong uốn lượn nhìn ngắm dòng Lam Giang.
Vẫn còn đó những chiếc thuyền nan nhỏ của bà con tung lưới. Ôi, làng quê giờ đã thực sự đổi thay. Vẫn có khói lam chiều chạm cửa. Nhưng nét văn minh của đô thị đã lấn át bộ mặt nông thôn quê tôi. Từng con đường bê tông được kiên cố hóa với sự cố gắng, chung lòng đóng góp của nhân dân và Nhà nước cùng làm.
Tôi mừng thầm, quê tôi giờ vẫn còn nghèo nhưng hết cực. Nhà bà đang nằm cạnh con đê. Năm nay bà đã bước sang tuổi 85, nhưng vẻ minh mẫn và trí nhớ của bà vẫn còn đủ để ngược về quá khứ, ngược về những câu dân ca nuôi lớn 9 người con của bà.
Quê hương bà ở Hà Tĩnh. Năm 17 tuổi, cũng như bao chàng trai, cô gái trong làng, bà lớn lên bằng lời ru của mẹ, thấm đẫm điệu hò của cha. Bà nói, hạnh phúc của bà tất cả cũng từ câu dân ca mỗi sáng sớm ở đôi bờ bến sông này.
Cuộc sống thủa hàn vi ở đôi bờ Lam Giang là chăn trâu, cắt cỏ. Nam thanh, nữ tú gặp nhau, để rồi truyền cho nhau những làn điệu dân ca, mà trong đó là tình yêu, tình quê hương để xây nên cuộc sống hạnh phúc.
Nhấm nháp miếng trầu bà tiếp lời, tui vui không phải vì sự trưởng thành của các con, điều mà tui hạnh phúc nhất là 9 người con mỗi khi về thăm bà vẫn hát lên những làn điệu dân ca được bà ru từ thủa bé.
Ở đây, trên xứ sở cao nguyên, thế hệ làm báo của chúng tôi là con cháu xứ Nghệ chiếm khá đông. Mỗi sáng, mỗi chiều hay mỗi tối… những câu dân ca luôn được chúng tôi nhắc đến “Ai đi xa núi cao hay biển rộng, chợt nghe câu hát quê hương…”. Lời ca khúc “Câu hát quê hương” của nhạc sỹ Hồ Hữu Thới lại vọng về, chan chứa nỗi nhớ nhung.
Nghe ca khúc Tiếng hát Sông Lam:
Bấm vào play để xem - Video: Youtobe