Từ nay đến cuối năm 2011, Chính phủ sẽ tập trung mọi nỗ lực để kìm giữ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng ở mức 11,75%, bên cạnh tốc độ tăng trưởng GDP ước khoảng 6,5%.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc phát biểu tại hội nghị (ảnh: Q.Đ).
Trao đổi tại Hội nghị cấp cao về Kinh doanh tại Việt Nam sáng nay 3/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: Năm 2011, Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu hàng đầu là chống lạm phát. “Chúng tôi phấn đấu lạm phát năm nay xấp xỉ năm 2010, khoảng 11,75%. Dĩ nhiên những tháng còn lại rất căng thẳng và Chính phủ phải có nhiều nỗ lực”, Bộ trưởng Phúc nói.
Con số trên cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, vì 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng gần 10%. Trước đó, chỉ tiêu lạm phát mà Quốc hội phê duyệt cho cả năm 2011 ở mức 7%/năm.
Bên cạnh mục tiêu kiềm chế lạm phát, Bộ trưởng Phúc cũng đề cập đến tăng trưởng ở mức hợp lý. Ông cho biết, dự báo tăng trưởng GDP năm nay ước khoảng 6,5% (thấp hơn so với năm 2010).
Cũng theo Bộ trưởng Phúc, với sự phát huy mạnh mẽ nguồn lực trong nước cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ được tốc độ phát triển cao, tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong điều kiện dòng FDI toàn cầu suy giảm. Điều tra triển vọng đầu tư thế giới (WIPS) 2009 - 2011 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, Việt Nam là một trong 15 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Những yếu tố được các nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn ở Việt Nam vẫn là tốc độ phát triển thị trường, khả năng thâm nhập vào thị trường khu vực, công nhân rẻ và ưu đãi đầu tư.
Còn theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2011 do Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính IFC vừa thực hiện, Việt Nam được xếp thứ 4 trong số 10 nền kinh tế có mức độ cải cách nhất trong năm 2010 trên 3 lĩnh vực là: thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng và vay vốn tín dụng.
Đề cập đến trọng tâm mới trong đầu tư của Việt Nam thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã đưa ra ưu tiên đầu tư rất rõ là tập trung vào lĩnh vực con người. Một trong những “điểm nghẽn” của Việt Nam mà nhiều chuyên gia quốc tế đề cập tới là thiếu lao động có kỹ năng, năng suất, hiệu quả và lực lượng quản lý nên việc đầu tư vào đào tạo, đào tạo nghề là những ưu tiên hàng đầu.
An Hạ (Dân trí)