Làng rau ven đô
 

"...Người phố bây giờ mỗi bữa ngon miệng đều có rau xanh. Mấy ai biết ven đô có đôi làng rau Vinh Xuân, Đông Vinh bình dị đều là đơn vị văn hoá cấp tỉnh. Ở đó, hành hoa, cải xanh cải ngọt, rau xút... vụ nào thức nấy cứ xanh lên từ mồ hôi, trăn trở của người làng rau... Và, tạng những người quê lên phố như tôi, cô bạn đồng nghiệp, thì quả làng rau ven đô đã chợt thân thiết rồi..."

 

 Gieo rau xút trong vườn nhà lưới

Phố xá mới tinh tươm chào mừng Vinh lên đô thị loại I nay lại sậm sịt đợt mưa được tiếp sức cơn áp thấp. Ven đô rườn rượt gió mưa mủi hết cả con đường thôn đã bê tông hoá nhưng lấm láp bùn rơm và ngái mùi tù đọng của dọc đầm bèo tây kìn kịt xanh. Tôi cứ lầm rầm mãi thói bốc đồng của nữ đồng nghiệp không dưng chọn ngày "xấu" mà lặn lội... Cô bảo, thì bao chuyện này nọ tưng bừng lại nỡ quên cái làng rau bây giờ xã viên đã lên thị dân đô thị loại I à? Chỗ này... chỗ này... em đã qua...lần đi thực tế đầu tiên để có cái bài làng rau Đông Vinh năm nọ! Cam phận "xe lai", nhưng rồi tôi đã bị hút vào nhẩn nha chuyện của cái "hợp tác xã rau xanh" trải thăng trầm trên ba mươi năm có lẻ.


Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ Đông Vinh nay được chuyển đổi từ hợp tác xã cũ ra đời từ năm 1975, khi thành phố Vinh có chủ trương cho xã Hưng Đông lập vùng chuyên canh rau xanh tạo vành đai thực phẩm cung cấp cho thành phố với phương thức cung ứng cấp đổi lương thực. Làng rau Đông Vinh ra đời nhập cư các hộ thạo nghề rau xanh từ các vùng rau nổi tiếng Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), Diễn Xuân (Diễn Châu) làm "nòng cốt". Kể ra cái "anh" rau xanh ở phố thời nào cũng có giá, lần hồi mà nên danh làng nghề từ thuở bao cấp. Cánh nam thanh nữ tú ngày trước giờ đã suýt soát lên ông lên bà, quen vất vả lam lũ vẫn ngán cho thuở thức dậy từ hai, ba giờ sáng, thu hoạch rau xong néo vào sau xe đạp vượt dằng dặc đường đất lầy lội ra Quán Bánh để theo đường Một ngoặt vào kịp phiên sáng chợ Vinh.

Xe đạp không phanh không chuông, lốp "cố vấn", ghi đông ngoắc đèn bão rồng rắn như ma trơi, vợ lái chồng đẩy mướt mồ hôi khi nào cập đường nhựa mới thôi. Rồi cảnh bán rau nào tiện như giờ, chị em cứ phải "đứng đường" chào khách. Thế mà vui! Nữ đội trưởng sản xuất Hạnh bảo vậy. Đã năm mươi tuổi tính cả tuổi ta, mắt ngời ngợi chị khoe ba con đã học đại học, rồi vẩn buồn khi bảo lũ trẻ bây giờ lớn lên học hành kiếm nghề khác hết, nghề rau rồi biết sao? Ấy là nói thế, chứ nhờ rau mà phần lớn chúng nó được học hành đến nơi đến chốn. Thời đại khác rồi, đứa ít học cũng phải đi ra mà mở mang. Khu công nghiệp Bắc Vinh hoạt động, con em làng rau khối đứa được nhận vô làm công nhân, tương lai rồi hơn đời xã viên của cha mẹ chúng là cái phúc. Chị Hạnh được coi là một trong những xã viên đầu tiên trổ đất khai nghề trồng rau ở Đông Vinh. Bây giờ nhà chị làm ba sào: một sào vườn, hai sào ruộng. Chồng giáo viên dịp nghỉ hè, ngày lễ đắc lực phụ giúp. Cứ đều đều thuận thời tiết là có ăn, ngày bán vài trăm ngàn đồng, chỉ khiếp như năm ngoái đợt dịch tiêu chảy, bán đổ bán tháo có khi không ai mua chỉ kiếm ngày vài chục, làng rau phải một phen khốn đốn. Năm nay giá cả được nhưng mưa liên tục nên vụ rau mất nhiều. Nhiều là bao nhiêu vậy chị? Bao nhiêu, chả tính, nhưng mất nhiều! Khối trưởng Khối Đông Vinh kiêm cán bộ nghiệp vụ hợp tác xã Nguyễn Hồng Lạc thì tính "bo" là tháng 8, tháng 9 năm nay mưa vùi dập phải gieo đi gieo lại mấy lần, mỗi lần mua giống gieo lại giá lại tăng. Nhà ông Lạc làm ba sào rau nếu lấy giống rau xút (25.000đ/kg hạt giống) mà tính thì thiệt hại cỡ hàng triệu. Rau xút (ăn sống) trồng 8 - 10 ngày thu hoạch một lứa, cứ một kg giống cho thu hoạch 120 - 150 ngàn đồng, thì mưa ròng vài tháng thiệt hại biết là bao? Hành trồng gối vụ từ tháng 2 đến tháng 10, làm ba sào tổng chi phí giống, vật tư phân bón khoảng 5 - 6 triệu đồng, tính ra bảy tháng thâm canh thu 40 - 50 triệu, gặp thời tiết không thuận ảnh hưởng cũng không nhỏ. Nhà ông Hùng cũng ở xóm Đông Vinh làm sáu sào, nghĩa là đằng thằng mỗi năm thu hoạch hàng trăm triệu đồng, lãi ước tính dăm, sáu chục triệu. Thêm chút nghề phụ là sống khoẻ. Điển hình trồng rau hiệu quả ở Đông Vinh còn có nhiều hộ nữa như nhà Sơn Thái, Liên Vân...


 

 Chăm sóc rau tại vườn nhà


Thực ra cái ấm ức của tôi với nữ đồng nghiệp còn bởi lý do cữ này về làng rau Đông Vinh coi như hết háo hức. Đất đai sình lên thế kia. Vài ba chõng hàng bán rau củ quả dọc đường khu công nghiệp đều là hàng "nhập ngoại", ruộng vườn leo teo người. Trụ sở hợp tác xã Đông Vinh đang náo nhiệt hội họp ngày thành lập Hội Nông dân, ông Lạc đành dẫn chúng tôi vào trò chuyện ở tiệm ảnh, áo cưới của cô em vợ, chắc người làng rau chuyển nghề. Bây giờ người làng rau chuyển làm thêm nghề cũng nhiều rồi. Phải thôi, người đẻ chứ đất đâu có đẻ, còn bị co hẹp lại nữa là. Cộng cả đất vườn và đất nông nghiệp hợp tác xã Đông Vinh có khoảng 40 ha. Bãi rác lấy mất 5 ha; còn lại cho 260 hộ 300 khẩu trồng rau thì mấy nỗi! Hợp tác xã Đông Vinh có 2 xóm: Vinh Xuân chuyên rau và Đông Vinh chuyên hành. Nặng nghĩa truyền nghề, người thổ cư và nhập cư thống nhất đề xuất gọi tên xóm Vinh Xuân là ý ghép Vinh với Diễn Xuân. Nét làng nghề cũng là chỗ ấy. Cái vui là bà con gắn bó đoàn kết làm ăn, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, học hỏi nhau từ đúc rút thực tiễn. Bây giờ cứ vào vụ hè, tở mở sáng ruộng vườn làng rau đã nhộn nhịp nói cười thu hoạch đóng hàng đi tiêu thụ. Xe máy nườm nượp phi đường nhựa tuột thẳng vào các chợ nội đô và các cơ quan, khách sạn, nhà hàng. Đã có mối nhập sỉ; khi người phố đi chợ sớm tranh thủ mua rau về để kịp tới công sở làm việc, thì người làng rau cũng đã kịp cất tiền bán rau vào tủ, rảo ra đồng tưới tắm, chăm sóc rau. Chớm chiều là ơi ới ngọt tiếng người làng "thầu" rau mời bà con gom rau cho xe ô tô từ Huế, Đà Nẵng ra "ăn" hàng...

Mải chuyện, nhưng chừng như đoán được khách cứ cờn cợn bởi một thứ mùi lan toả khó chịu, ông Lạc ngập ngừng cho biết đó là mùi từ bãi rác Hưng Đông. Người làng rau không phải đã chịu mùi, mà chẳng muốn nói ra vì biết đâu người ta cho rau Đông Vinh kém "sạch". Có, không ảnh hưởng? Thì chuyện đã vậy rồi! Làng rau đếm ngày chờ Thành phố thực hiện chuyển bãi rác đi nơi khác như đã thông báo. Bây giờ, phải quan tâm việc mình. Làng rau hiện đã có 2/3 số hộ có chứng chỉ sản xuất rau sạch. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng có điều kiện để đi mua vật tư như thuốc sâu vi sinh, do thiếu tiền hoặc không biết chỗ mua nên gặp phải thuốc kém chất lượng. Xin "chuyển việc" cho nhà cung ứng, vì theo cái lý thật hợp tình của bà con là có vậy thực hành mới đi đôi với thực tiễn. Ông Lạc cho biết, mới rồi Trường đại học Vinh đã tổ chức về Đông Vinh tham khảo để xây dựng đề tài rau sạch, mà trước mắt hứa sẽ cung cấp một số vật tư, kỹ thuật. Chúng tôi chợt liên tưởng đến những chuyện tổ chức này, đơn vị nọ cũng đã rầm rộ về các vùng nông thôn, ồn ào bao ý tưởng chỉ để mà... ý tưởng! Nhưng cũng bảo ông Lạc rằng, đại học Vinh chuyện này là nghiêm túc đấy, "người ta" là một trung tâm đào tạo lớn của đô thị loại I tầm khu vực Bắc Trung bộ kia mà... Chuyện xa mãi, ông Lạc thổ lộ chuyện gần là nghề rau Đông Vinh nói chi thì nói hiện vẫn phụ thuộc ông trời, nắng mưa cho sao được vậy. Thoát chăng là khi nào Thành phố thực hiện chương trình rau sạch, hỗ trợ đầu tư thêm hệ thống kênh mương tưới tiêu, hệ thống "điện ra đồng" và mô hình tưới phun hiện đại...Hiện thành phố đã thực hiện hỗ trợ từng đợt cho bà con làm nhà lưới (mức 1,2 - 1,5 triệu đồng/nhà lưới) và xây 2 km kênh bê tông.

Lên mạng, đọc ở trong Nam ngoài Bắc, các vùng chuyên canh rau ven đô lắm chuyện phân trần, nhất vẫn là khâu tiêu thụ. Chưa dám nói chuyện thương hiệu, nhưng rau xanh Đông Vinh mơ ước lâu rồi một lợi thế "lên ngôi". Năm 2007 rau xanh Đông Vinh từng được thành phố cho tổ chức quầy giới thiệu sản phẩm ở chợ Quán Lau, nhưng do địa điểm không phù hợp, hàng bán không chạy, phải bỏ. Không nản, Đông Vinh vẫn muốn được làm tiếp nếu Thành phố tạo điều kiện lựa chọn địa điểm. Dĩ nhiên là phải tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm rau rạch. Mà, được vậy còn hệ luỵ bao điều như đã kể trên...

Người phố bây giờ mỗi bữa ngon miệng đều có rau xanh. Mấy ai biết ven đô có đôi làng rau Vinh Xuân, Đông Vinh bình dị đều là đơn vị văn hoá cấp tỉnh. Ở đó, hành hoa, cải xanh cải ngọt, rau xút... vụ nào thức nấy cứ xanh lên từ mồ hôi, trăn trở của người làng rau... Và, tạng những người quê lên phố như tôi, cô bạn đồng nghiệp, thì quả làng rau ven đô đã chợt thân thiết rồi.

Ghi chép: Đình Sâm - Thuỳ Vinh - Baonghean.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh