Phát triển làng nghề ở Nghi Liên.

 

(PT-TH_Vinh) Là xã mới sáp nhập vào TP Vinh, Nghi Liên đang vươn mình  hoà nhịp trong sự phát triển chung của TP  bằng việc phát triển mạnh các làng nghề. Vì thế mà vùng quê này đang khởi sắc từng ngày, bình quân thu nhập đầu người 900 ngàn/ tháng, tốc độ tăng trưởng kinh tế  đạt 16% / năm. 

Nằm cách TP Vinh không xa thế mà khi đặt chân đến vùng quê Nghi Liên người ta sẽ cảm nhận một điều thật rõ nét về sự khác biệt giữa sự sôi động, ồn ào của phố xá với một  không gian mát mẻ, trong lành và yên tĩnh. Không gian đó được tạo bởi những vườn cây xanh mướt của các gia đình trồng liền kề với nhau. Điều này mới chỉ có được từ kể từ khi người dân Nghi Liên du nhập và nhân rộng nghề trồng hoa cây cảnh. Và cũng chính cái nghề này đang đem lại ấm no và thịnh vượng cho vùng đất này.

      Đến thăm vườn hoa cây cảnh của gia đình ông bà Nguyễn Đình Định và Nguyễn Thị Vinh - Một trong những vườn hoa cây cảnh đẹp nhất  của xã Nghi Liên. Khu vườn có diện tích 5000 m2 được thiết kế đẹp mắt, ông bà đã trồng trên đó hàng trăm loại cây gồm các loại hoa, cây ăn quả, cây cảnh, cây bóng mát…Đây cũng là một trong các gia đình tiên phong trong nghề trồng hoa cây cảnh. Khởi đầu với 2 bàn tay trắng, từ những khóm hoa đầu tiên đi xin về để trồng, tích luỹ dần vốn liếng kinh nghiệm, và nhân lực chủ yếu là 2 vợ chồng. Đến nay thì cơ ngơi này đã cho ông bà có một khoản thu nhập trên dưới 70 triệu đồng / năm. Từ nguồn thu nhập vườn cây cảnh,  ông bà đã xây dựng nhà cửa, nuôi các con lần lượt vào đại học rồi trưởng thành.  Bà Nguyễn Thị Vinh cho biết: Gia đình tôi làm nghề này đã gần 20 năm. Bước đầu cũng có nhiều khó khăn gia  đình khắc phục tích luỹ dần về vốn liếng. Về giống học hỏi chiết ghép, 7 năm sau đã cho thu nhập và hiện nay thì nghề này đã có hiệu quả’’

Cũng như gia đình Bà Vinh, gia đình anh Lê Văn Đức có 2500 mét vuông đất vườn đất trồng hoa cây cảnh. Say mê, gắn bó với nghề, đất đã không phụ công người, năm tháng qua đi, vườn cây cảnh của anh Đức ngày càng bề thế, đa dạng về chủng loại và quy hoạch đẹp mắt, khoa học, thuận lợi cho khách hàng khi tham quan và lựa chọn cây để mua. Từ vườn cây cảnh, gia đình anh Đức từ 2 bàn tay trắng đã xây dựng được nhà cửa, mua sắm vật dụng tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Nghề trồng hoa cây cảnh ở Nghi Liên đã có từ rất lâu, manh nha từ những năm 1985- 1990, song chỉ những năm gần đây, với lợi thế về kinh nghiệm, thổ nhưỡng đất đai phù hợp, nhu cầu thị trường hoa cây cảnh tăng lên. Người dân đã chuyển hướng từ sản xuất trồng cây lúa màu sang tập trung phát triển nghề trồng hoa cây cảnh. Nhất là thời điểm nhà nước có chủ trương chuyển đổi ruộng đất ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, các gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi đất kết hợp với đất vườn để quy hoạch thành những khu vườn rộng hàng ngàn m2. Từ một nghề phụ thì nay nghề trồng hoa cây cảnh đã trở thành nghề chính của nhiều gia đình. Hiện nay xóm 4 xã Nghi Liên có đến trên 70 % số hộ làm nghề trồng hoa cây cảnh. Nghi Liên có lợi thế đó là quỹ đất còn nhiều vì thế mà ở đây, nhà nhiều nhất có vườn cây rộng đến 5000 mét vuông, nhà ít nhất cũng có 1500 mét vuông. Mô hình phát triển cây cảnh, cây bóng mát và cây ăn quả đã được nhân rộng  sang các xóm khác như  xóm 2, xóm 3, xóm 5. Vườn cây của các gia đình đã được đầu tư lựa chọn các loại cây có gía trị đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Phong phú về chủng loại và được chăm sóc cắt tỉa công phu. ở đây có hàng trăm loại cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây bóng mát, từ các loại cây cảnh có giá trị như  cây Mưng có giá 5-7 triệu đồng, cho đến các loại cây có gía tiền mức trung bình như cau vua, cau lùn, rồi các loại cây bóng mát như Xoài, Sao đen, Viết, cây ăn quả như Nhãn ,Vải, Cam và các loaị hoa. Thị trường tiêu thụ hoa dần đuợc mở rộng, từ việc mua bán nhỏ lẻ nay hoa và cây cảnh của Nghi Liên đã có một thị trường rộng lớn. Vào các lễ hội người ta thường tìm đến Nghi Liên để mua hoa, các công trình công cộng như các công sở, trung tâm vui chơi giải trí ở TP Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện thị và nay vươn ra các tỉnh bạn.

Gặp  anh Bùi Minh Đức  – Chủ doanh nghiệp ở  TP Vinh đến mua cây cảnh ở đây, anh cho biết: Tôi đến đây để mua cây cảnh, tôi thấy rất thích thú, đây là đam mê của tôi. Cây cau này về trồng vào chậu đặt trong vườn nhà vừa đẹp, mát lại lãng mạn. Tôi đã mua đc 5 cây, ở đây cây phong phú, sản phẩm cây cảnh chất lượng. Tôi sẽ đến để mua tiếp một số loại cây khác’’

 Trồng hoa cây cảnh là một nghề  vừa được coi như một thú chơi tao nhã lại vừa nhọc nhằn và lắm công phu, bởi khi đã trở thành nghề chính thì người ta phải đầu tư, phải tính toán để  vừa không chỉ  thu nhập ổn định mà còn có thể vươn lên làm giàu từ nghề làm vườn. Vì thế, vừa xây dựng quảng bá thưong hiệu bằng chính chất lượng của sản phẩm để làm vừa ý khách hàng, bên cạnh đó, các hộ gia đình đã thành lập doanh nghiệp, thành lập công ty TNHH, công ty cổ phần có đủ năng lực và tư cách pháp nhân để đảm nhận các hợp đồng lớn. Riêng xóm 4 có 65% số hộ làm nghề trồng hoa cây cảnh đã thành lập công ty TNHH. Nghề trồng hoa cây cảnh đã phát triển thêm các lĩnh vực kinh doanh tư vấn thiết kế, kỹ thuật trồng cây xanh. Anh Thái Phi Tình- Một chủ doanh nghiệp trẻ ở  Nghi Liên cho biết:  Tôi chọn cái nghề của quê hương để lại. Tôi muốn phát triển nghề này lên tầm cao mới, tôi đã thành lập công ty TNHH với mong muốn nhiều người biết đến nghề này, qua đó quảng bá đyđược nghè của làng tôi đến với nhiều địa phưong khác’’

 Nghề trồng hoa cây cảnh đang được xã nghi Liên đẩy mạnh về diện tích quy mô.  Ông Lê Văn Phượng- CT UBND xã Nghi Liên cho biết: Nghề trồng hoa là cây cảnh là nghề truyền thống của xã. nghề này không chỉ trồng trong vườn nhà mà đã phát triển ra đồng.  Định hướng năm tới xã sẽ vận động nhân dân phát triển nghề này hiệu quả hơn. Giảm tỷ trọng kinh tế NN, tăng các tỷ trọng các nghề, dịch vụ góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.’’

  Như bao làng quê Việt Nam khác, Hình ảnh của Nghi Liên  xưa kia gắn liền với luỹ tre làng. Hơn thế tre Nghi Liên nổi tiếng nhiều, kết hợp với bản tính con người nơi đây hay lam hay làm  và có đôi bàn tay khéo léo nên ở đây đã duy trì một cái nghề đã có hàng trăm năm, một nghề đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên nhẫn  đó là nghề đồ tre. Mỗi ngày, tại nhà anh NguyễnVăn Bình các thành viên từ 5-6 người cả đàn ông và phụ nữ đều đặn đến làm  caí công việc hết sức bình thưòng và gắn bó với họ từ đời này sang đời khác. Với bàn tay khéo léo họ có thể  làm ra hàng chục loại sản phẩm. Từ những vật dụng đơn giản như thang, chõng, cọc chống lún cho công trình cho đến  các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ như tràng kỷ, lẵng hoa. Cả xã nghi Liên hiện có gần 100 gia đình làm nghề đồ tre, chỉ tính riêng xóm 6 đã có trên 30 gia đình làm nghề này. Ông  Nguyễn Văn Thân bí thư chi bộ xóm 6 cho biết xóm không có tệ nạn XH, an ninh trật tự được đảm bảo cũng là nhờ thanh niên trong xóm ngoài thời gian sản xuất đồng áng đã cùng gia đình làm thêm để tăng thu nhập bằng chính những công việc này.

Có thể nói nghề đồ tre là một nghề truyền thống mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân Nghi Liên. Tuy nhiên gần đây, với chủ trương xoá bỏ vườn tạp đã làm cho cây tre dần vắng bóng nơi vùng quê Nghi Liên. Nguyên liệu tại chỗ không còn, người dân đã phải tìm đến các vùng rất xa để mua tre thế nhưng nghề đồ tre vẫn được tồn tại và phát triển. Cái nghề mộc mạc, chân chất mang đậm hồn quê này sẽ dễ bị khuất lấp mai một trong nhịp sống hiện đại gấp gáp nếu như không mang lại một điều gì đó để người dân quê Nghi Liên có thể duy trì bảo tồn và  phát triển nó lên, đó chính là một thị trường tiêu thụ luôn ổn định và con số thu nhập trên dưới 100 ngàn đồng mỗi ngày. Thực ra, nếu nói về thu nhập của một nghề thì đây chưa phải là một con số ấn tượng. Song việc duy trì nghề đồ tre còn được coi như là một sự lưu giữ giá trị văn hoá truyền thống của quê hương. 

 Ông Nguyễn Văn Quý – Chi hội trưởng hội nông dân xóm 6 xã Nghi Liên- TP Vinh cho biết: Nghề đồ tre có thuận lợi là làm ra dễ tiêu thụ, làm nhiều đến mấy cũng không ế. Cái khó của nghề này là chủ trương xoá  vườn tạp tre không còn. Nguyên liệu phải đi mua xa . Phải giải quyết được đầu vào thì nghề đồ tre mới tồn tại được’’

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của đô thị hiện đại, nhất là khi TP Vinh đã trở thành đô thị loại I, là một xã vừa đước sáp nhập vào TP, Nghi Liên đang chuyển mình hoà nhịp với sự phát triển chung của TP, theo định hướng đề án phát triển kinh tế các xã vùng ven của TP đó là ưu tiên đầu tư phát triển loại hình kinh tế mang tính hàng hóa.  Phát huy giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế của các làng nghề, đưa các làng nghề phát triển với quy mô và tầm cao mới nhằm nâng cao thu nhập cao cho người dân. Bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống quê hương.  

Thanh Loan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh