Theo quyết định được phê duyệt, Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến QL1A đoạn đi qua địa bàn Nghệ An được chia thành 5 dự án do 4 đơn vị làm chủ đầu tư.
Trong đó, Ban QLDA 4 chịu trách nhiệm từ Km 382+500 đến Km 383+115 với chiều dài 615m đi qua huyện Quỳnh Lưu; Ban QLDA 1 làm chủ đầu tư ở các đoạn: từ Km 383+115 đến Km 387+800, đoạn từ Km 392+262 đến Km 402+300 và từ KM 407 đến Km 425+900, với chiều dài 33,653 km đi qua hai huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu; Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư đoạn qua huyện Quỳnh Lưu từ Km 387+800 đến Km 392+262 (qua thị trấn Hoàng Mai) và đoạn từ Km 402+ 300 đến Km 407 (qua thị trấn Cầu Giát) với chiều dài 9,132km; và Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư các đoạn: Diễn Châu - Quán Hành (từ Km 425+900 đến Km 449+300) dài 23,4km và đoạn Quán Hành- Quán Bánh (từ Km 451 đến Km 458) dài 7 km đi qua huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và Thành phố Vinh, với thiết kế đảm bảo cho 4 làn xe cơ giới, có tổng nguồn vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng.
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hồng Kỳ - nêu rõ mục đích ý nghĩa dự án tại họp báo (tháng 6/2011) - Ảnh: Bá Minh
Dự án qua Diễn Châu - Quán Bánh được chia làm 2 tiểu dự án, theo các Quyết định số 700/QĐ - BGTVT ngày 19/3/2010 và Quyết định số 650/QĐ - BGTVT ngày 17/3/2010 của Bộ GTVT.
Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn Diễn Châu - Quán Hành được tách phần bồi thường, GPMB giao cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Để đáp ứng tiến độ triển khai dự án, tỉnh Nghệ An xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, là công trình có ý nghĩa tạo động lực cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh đã có thông báo về việc tập trung đẩy nhanh GPMB dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A. Trong đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện có tuyến đường đi qua tập trung chỉ đạo kiên quyết và đẩy nhanh việc kiểm kê, áp giá phê duyệt, chi trả bồi thường cho các hộ dân kịp thời và bàn giao xong mặt bằng trước ngày 15/7 cho chủ đầu tư triển khai xây dựng theo kế hoạch.
Tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục giải quyết tốt những vướng mắc về giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai thi công; đảm bảo công tác ANTT; an toàn về máy móc, tài sản của nhà thầu tại công trường; tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà thầu trong quá trình thi công để đẩy nhanh và đáp ứng tiến độ thi công công trình.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các đơn vị có liên quan của bộ và các địa phương trong quá trình triển khai dự án, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thi công. Qua tiếp xúc với một số hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án, chúng tôi đều cảm nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.
Nằm trong dự án, Diễn Châu là địa phương có số hộ dân chịu ảnh hưởng lớn nhất với 10 xã, thị, bao gồm các xã Diễn Trường - Yên - Hồng - Kỷ - Ngọc - Thành - Thịnh - An - Diễn Trung và thị trấn. Theo ông Tăng Văn Luyện - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Hội đồng BTGPMB huyện Diễn Châu cho biết: Trong quá trình thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, đặc biệt Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất đưa nội dung giải phóng mặt bằng của dự án vào chỉ tiêu bình xét thi đua hàng năm nên tiến độ triển khai được đảm bảo.
Tuy vậy, khó khăn gặp phải cho địa phương đó là số xã bị ảnh hưởng lớn, địa bàn rộng trong khi lực lượng, nhân lực làm công tác này còn gặp khó khăn.
Thứ nữa, là người dân băn khoăn trong việc đòi đền bù trong hành lang chỉ giới quy định, có liên quan đến dự án do PMU thực hiện trước đó. Vì lợi ích lâu dài từ công trình mang lại, hiện tại huyện đang tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường GPMB cho dự án, đồng thời kết hợp việc tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để các hộ dân nắm được các quy định trong công tác GPMB để nhân dân hiểu, chia sẻ khó khăn với Nhà nước, từ đó sớm bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, huyện cũng đang phối hợp với các ngành có liên quan tập trung giải quyết những kiến nghị, đề xuất của nhân dân theo hướng bảo đảm quyền lợi cao nhất cho các hộ dân theo khung giá quy định của Nhà nước.
Giám đốc Sở GTVT - ông Nguyễn Hồng Kỳ cho biết: Từ khi dự án đuợc phê duyệt, nhiều địa phương đã sớm vào cuộc. Người dân hiểu rõ mục đích ý nghĩa của dự án nên đã tự giác chặt cây, tháo gỡ nhà, cắt đất trong khi chưa ai biết đuợc những tài sản đó được áp giá bồi thường ra sao. Những trường hợp đó chính quyền địa phương sẽ tính toán chính xác, ưu tiên đền bù sớm không để thiệt quyền lợi người dân.
Tuy vậy, do nhiều lý do khác nhau, một số nơi chưa thật sự chủ động, đang lúng túng trong quá trình triển khai GPMB. Để công trình triển khai đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra, ngành giao thông vận tải rất cần sự vào cuộc hơn nữa của các cấp chính quyền, sự hợp tác của người dân.
Trên quan điểm đó, tại các cuộc họp, UBND tỉnh đã quán triệt việc triển khai đảm bảo tiến độ, đồng thời yêu cầu các địa phương phải nhanh chóng tiến hành việc kê khai, áp giá đền bù trong thời gian sớm nhất, tiến hành bàn giao cho các đơn vị thi công.
Đối với các ban QLDA phải tiến hành chi trả tiền đền bù kịp thời khi hồ sơ áp giá được thực hiện xong. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan như Điện lực, Bưu chính viễn thông, cấp thoát nước... tiến hành rà soát lại các công trình ảnh hưởng trên tuyến để có biện pháp di dời sớm.
UBND tỉnh cũng đã giao Sở GTVT theo dõi tiến độ công tác GPMB ở các địa phương, có báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để có biện pháp xử lý.
Vì lợi ích mang lại từ dự án, vì sự phát triển bền vững của địa phương, ngành giao thông vận tải đang rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự hợp tác, ủng hộ của người dân trong việc giải phóng mặt bằng để công trình được triển khai kịp thời, đúng tiến độ đề ra.