TP Vinh: Đâu rồi cánh đồng cói Hưng Hoà?

Chiếc chiếu cói Hưng Hòa vừa mát vào hạ, vừa ấm vào đông đã đi khắp cả tỉnh và được người dân tin yêu, chọn lựa. Thế nhưng, vì nhiều lí do, làng nghề truyền thống ấy đang có dấu hiệu bị mai một và biến mất, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây.

 Xã Hưng Hòa (TP Vinh, Nghệ An) vốn nổi tiếng với làng nghề làm chiếu cói truyền thống. Chiếc chiếu cói Hưng Hòa vừa mát vào hạ, vừa ấm vào đông đã đi khắp cả tỉnh và được người dân tin yêu, chọn lựa. Thế nhưng, vì nhiều lí do, làng nghề truyền thống ấy đang có dấu hiệu bị mai một và biến mất, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây.

 
Theo ông Lê Văn Hùng - Phó Chủ nhiệm HTX Hưng Hòa 2 cho biết: “Hiện toàn xã có khoảng 800 hộ làm nghề chiếu cói. Đây là nghề truyền thống, cha truyền con nối từ bao đời nay tại xã, có những gia đình gắn bó với nghề 4 - 5 đời. Sản lượng cói sản xuất hàng năm khoảng 800 tấn.
 
Trước đây, khi làng nghề chiếu cói còn đang thịnh vượng, diện tích trồng trọt lên đến 200 hecta. Tuy nhiên, về sau, để thực hiện mục tiêu phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản và trồng lúa năng suất cao, địa bàn xã chỉ còn khoảng 65 hecta là trồng cói thâm canh”.
 
Cũng theo ông Hùng, chiếu cói Hưng Hòa được làm khá công phu. Sau khi thu hoạch xong, cói được phơi khô, loại bỏ phụ phẩm. Rồi từ đó, cói được phân loại, theo từng sợi to nhỏ, dài ngắn khác nhau trước khi được đưa vào khung dệt.
 
Hai người phụ trách một go dệt, rồi trải qua công đoạn ghim viền, xén những sợi cói thừa… Việc chọn cói là một trong những khâu quan trọng để làm nên một chiếc chiếu bền, đẹp.
 
Cói để sản xuất chiếu Hưng Hòa bị giảm sút - Ảnh: Tư liệu
 
Thông thường, cói sẽ được nhuộm trước, rồi trong quá trình dệt, người thợ sẽ kết hợp các màu sắc hài hòa để phù hợp với sản phẩm. Cũng tùy theo từng sự kiện mà chiếu được thiết kế khác nhau.
 
Đó là màu đỏ rực của hai chữ Song hỷ trên chiếc chiếu của đôi vợ chồng mới cưới, là sự trang nghiêm của chiếc chiếu thọ trong các đình thờ, chùa chiền. Nhiều người dân còn đến tận nơi để chọn cho mình một chiếc chiếu ưng ý.
 
Nếu coi chiếu cói là mặt hàng mang lại thu nhập cao cho người dân xã Hưng Hòa thì không hẳn là vậy, nhưng tự bao đời nay, đó là niềm tự hào của bà con ở một xã ngoại thành. Hàng năm, thu nhập của mỗi gia đình trong hợp tác xã khoảng 20 triệu đồng, với mỗi gia đình tiêu thụ 5 - 6 tạ cói.
 
Trong khi đó, nghề này không phải trải qua đào tạo nhiều, sản phẩm lại phù hợp với túi tiền người dân. Xã Hưng Hòa vốn được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên để làm cói (cả nước mặn và nước lợ), lại được sự quan tâm của chính quyền địa phương (đầu tư vốn, tổ chức, tham quan học hỏi ở các địa phương làm chiếu nổi tiếng như: Nga Sơn (Thanh Hóa), Kim Sơn (Ninh Bình)…
 
Nhờ đó, có những thời kỳ, chiếu cói Hưng Hòa đã đi khắp nơi trong cả tỉnh với nhiều sản phẩm tinh xảo và hài hòa. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân, làng nghề truyền thống đó đang ngày dần bị mai một.
 
Bên cạnh lí do về sức cạnh tranh thị trường, công nghệ chậm đổi mới thì sự thu hẹp về diện tích trồng cói đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những hộ dân làm nghề truyền thống trên.
 
Cùng với sự phát triển chung của thành Vinh, nhiều năm trở lại đây, ở các xã ngoại thành, các dự án trung tâm mọc lên khá nhiều. Điều này phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Riêng ở xã Hưng Hòa, có đến 5 dự án: Dự án công ty hợp tác kinh tế Việt - Lào, Công ty Hà Thành, Công ty Vinalin, Khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp…
 
Tổng diện tích của các dự án này lên đến gần 300 hecta. Trong đó, hơn 40% hộ dân bị mất diện tích làm cói. Nếu như trước kia, toàn xã chỉ có 65 hecta trồng cói thì hiện nay, hợp tác xã sẽ phải chuyển một phần diện tích sang số đất trồng lúa năng suất thấp. Các công ty lấy đất để đầu tư, nghiễm nhiên, nhiều gia đình được hưởng tiền đền bù.
 
Có những hộ, số tiền được hưởng lên đến hơn 1 tỷ đồng (theo nội dung thông báo từ phía công ty). Với những người dân quanh năm chân lấm tay bùn, con số đó quả là rất lớn.
 
Nếu tính ra, đôi khi, cả cuộc đời làm lụng vất vả của họ cũng chẳng thể có được. Tiền thì vẫn chưa thấy đâu, chỉ có điều, từ khi có thông tin đó, một bộ phận người dân đã bỏ hoang diện tích trồng cói để chờ hưởng tiền đền bù từ dự án.
 
Cũng theo ông Hùng, không chỉ mất diện tích trồng cói, mà cơ cấu kinh tế của hợp tác xã cũng bị ảnh hưởng. Trước đây, mô hình này khá bền vững với 3 khu chuyên canh: trồng lúa năng suất cao, cói và nuôi tôm công nghiệp.
 
3 vùng chuyên canh này hỗ trợ nhau và gắn với người dân tại đây hàng chục năm trời. Nay diện tích bị thu hẹp, nguy cơ nghề chiếu cói bị mai một là rất dễ. Mà không chỉ có Hưng Hòa, thực trạng thu hồi diện tích đất sản xuất nông nghiệp để đầu tư cho các khu công nghiệp, dự án xây dựng như trên còn diễn ra ở nhiều xã ngoại thành khác như: Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Liên…
 
Rồi đây, khi được hưởng số tiền đền bù, một bộ phận người dân xã Hưng Hòa sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn để cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, nếu xét về lâu về dài, khi mất đi tư liệu sản xuất vốn có, thì người nông dân sẽ phải làm gì để duy trì cuộc sống, câu hỏi đó vẫn chưa có lời đáp.
 
Ấy là chưa nói đến, do ảnh hưởng vì bị thu hẹp diện tích, nghề truyền thống chiếu cói mà bà con xã Hưng Hòa đã gắn bó bao đời nay sẽ dần bị mai một và có khả năng biến mất. Khi nhìn những ngôi nhà, dự án cao tầng ngày một mọc nhiều lên tại xã, mọi người không khỏi ngậm ngùi: Đâu rồi cánh đồng cói quê ta?

Tác giả bài viết: Mai Hậu
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh