Hoàng Đế Quang Trung trên đất Nghệ

Nghệ An là một vùng quê văn hiến và cách mạng; mảnh đất địa linh nhân kiệt. Nơi đây từng ghi đậm dấu ấn của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ - Hoàng Đế Quang Trung trong những chuyến hành quân ra bắc chống thù trong giặc ngoài.

 

 
  
Hoàng đế Quang Trung  
Anh em nhà Tây Sơn dấy cờ khởi nghĩa năm 1771. Sau sáu năm quân Tây Sơn đã làm chủ toàn bộ đất đai từ Quảng Nam đến Hà Tiên. Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức và phong cho Nguyễn Huệ là Bắc Bình Vương, Nguyễn Lữ là Đông Định Vương.
 
Với tài thao lược của mình, năm 1775 lúc Nguyễn Huệ mới 22 tuổi đã nhận tổng chỉ huy xuất binh đánh quân chúa Nguyễn ở Phú Yên và dành thắng lợi giòn giã. Từ đây Nguyễn Huệ nhiều phen đánh tan các đạo quân của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, buộc chúa Nguyễn nhiều lần phải trốn chạy ra đảo Phú Quốc rồi sang Xiêm cầu viện. Năm 1784 một trận chiến lớn tiêu diệt 5 vạn quân thủy bộ cùng 300 chiến thuyền quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút, nay thuộc ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
 
Năm 1786, với danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh, Nguyễn Huệ kéo quân ra bắc. Khi nghe tin Phú Xuân thất thủ quân chúa Trịnh hoang mang, lo sợ; lúc thấy quân Tây Sơn kéo ra bắc phần lớn quan quân chúa Nguyễn khiếp sợ mà bỏ trốn, Chúa Trịnh Khải bị bắt rồi tự tử. Cơ nghiệp họ Trịnh gây dựng hơn 200 năm đến lúc cáo chung. Nguyễn Huệ vào Thăng Long yết kiến, được vua Lê Hiển Tông phong chức Nguyên súy Dực chính phù vận Uy quốc công và gả công chúa Ngọc Hân. Ít lâu sau vua Hiển Tông chết, Lê Chiêu Thống lên ngôi, Nguyễn Huệ cùng công chúa Ngọc Hân rút quân về Phú Xuân.
 
Năm 1787, Tướng của Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm chuyên quyền, Nguyễn Huệ phải đích thân lần thứ hai ra Bắc Hà diệt Vũ Văn Nhậm. Ông đã tổ chức lại hệ thống cai trị ở Bắc Hà, mời các danh sĩ có tên tuổi như Ngô Thì Nhậm , Phan Huy Ích và Đại tư mã Ngô Văn Sở đảm đương công việc. Sau khi đã lập Sùng nhượng công Lê Duy Cân làm Giám quốc, Nguyễn Huệ lại rút quân về Phú Xuân.
 
Hai lần tiến quân ra Bắc, Nguyễn Huệ "Tam cố thảo lư" mời La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, người được coi là có ảnh hưởng lớn đến sỹ phu Bắc Hà ra hợp tác giúp nhà Tây Sơn, nhưng cả ba lần Nguyễn Thiếp đều từ chối.

Được tin vua Càn Long nhà Thanh cử Tôn Sỹ Nghị mang 29 vạn quân sang xâm lược nước ta, ngày 25 tháng 11 năm 1788 tại Phú Xuân Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Quang Trung và lập tức cho quân sỹ hành quân thẳng tiến ra bắc. Chỉ sau bốn ngày rời Phú Xuân, Quang Trung Nguyễn Huệ đã có mặt tại Nghệ An, một cuộc hành quân thần tốc hiếm thấy trong lịch sử.
 
 
Núi Lam Thành - nơi hội kiến của đoàn quân khi tiến ra Bắc

 Tiến quân ra Bắc lần này Quang Trung được Nguyễn Thiếp xuống núi Bùi Phong đích thân xuống Phù Thạch đón rước rồi cùng lên Lam Thành hội kiến. Khi đề cập đến cách đánh giặc, Nguyễn Thiếp nói: "Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Vả nó có bụng khinh địch. nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được nó”. Nhận định của Nguyễn Thiếp phù hợp với ý định đánh nhanh thắng nhanh của mình, vua Quang Trung liền tuyển mộ thêm quân đủ 10 vạn trai tráng, cùng hai trăm voi chiến, ông tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An khích lệ chí khí quyết chiến thắng giặc ngoại xâm.
 
Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung chia quân làm năm đạo thẳng tiến ra Bắc Hà. Và chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh ở Gián Khẩu, Ngọc Hồi, Khương Thượng. Trưa mồng 5 Tết, Quang Trung áo bào nhuộm thuốc súng, cưỡi voi tiến vào thành Thăng Long trong sự hân hoan chào đón của nhân dân.
 
Trong thời gian ở Nghệ An, vua Quang Trung lên núi Đại Tuệ đốc thúc việc luyện binh đồng thời yết kiến các nhà sư chủ trì ngôi chùa cổ trên núi, được các sư chỉ con đường thượng lộ ngắn nhất ra Thăng Long. Sau khi thắng trận trở về Vua lại lên núi tạ lễ nhà chùa, đồng thời cắt 20 mẫu ruộng dưới chân núi cho nhà chùa làm "điền hương hỏa". Cánh đồng đó nay vẫn gọi là Đồng Chùa .
Tương truyền, nơi đây núi cao, vách đứng, địa thế hiểm trở, án ngữ một vùng rộng lớn cả hai phía tả - hữu, nhưng trên đỉnh lại có bãi bằng phẳng, có giếng thiên tạo và hồ sen không bao giờ cạn nước nên được nhiều triều đại phong kiến làm nơi đóng đồn binh. Có phiến đá to khi gõ tiếng nổi lên như tiếng chuông nên được gọi là Đá Chuông. Trước bãi đất bằng có Thạch Ngai nơi Quang Trung Nguyễn Huệ và cả Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương thời trước đó, từng ngồi để chỉ huy tập trận. Cách Thạch Ngai không xa lại có phiến đá khi gõ phát ra như tiếng mõ nên được gọi là Đá Mõ. Trên núi còn có ngôi mộ được xếp bằng đá có chiều rộng 8m, chiều dài 12m vẫn được nhân dân trong vùng khẳng định đó là phần mộ của vua Cảnh Thịnh.
 
Đỉnh Thăng Thiên, cao hơn 800m so với mực nước biển, cao nhất dãy núi Đại Huệ được người xưa ví như quả chuông úp của nhà phật, trên đó có "bàn cờ tiên", là nơi người trời, người hạ giới có thể cùng nhau đánh cờ.
 
Theo sử sách, Hoàng Mai - vùng đất địa đầu xứ Nghệ cũng là một trong những điểm dừng chân để tuyển thêm binh mã cho chuyến hành quân ra bắc đánh quân Thanh xâm lược. Ngày xưa là vùng đất ngập mặn, nhân dân trong vùng thiếu nước ngọt để dùng, Quang Trung cho binh sỹ đào nhiều giếng nhưng chỉ  giếng này cho nước ngọt. Không hiểu vì sao phần thành gần đáy giếng được người ta ghép các phiến gỗ. Đến nay, đã hơn 200 năm các phiến gỗ vẫn còn nguyên vẹn.
 
Thung Đong Quân ở Hoàng Mai - nơi dừng chân của Hoàng đế Quang Trung
 
Những dãy núi đá vôi khu vực Hoàng Mai còn để lại nhiều dấu tích về đạo quân của Quang Trung dừng chân tại đây. Thung Đóng Quân, phải chăng là nơi đóng bản doanh của đạo quân này. Với đạo quân đông đảo hàng vạn người, việc điểm đếm quân là một việc khó nên người ta cho xếp quân vào thung nhỏ này rồi tính số lượng quân trong đó. Sau đó cứ thế lần lượt xếp quân vào đây người ta có thể tính chính xác số lượng quân sỹ hiện có, bởi vậy thung này được gọi là Thung Đong Quân. Cũng như cách lý giải về Thung Đóng Quân, Thung Đong Quân, bãi đất bằng phẳng nơi thung hẹp này là nơi các tướng lĩnh nhận lệnh hành quân, chiến đấu, nên bãi đất này nhân dân trong vùng gọi là bãi Diễn Thuyết.
 
Nói đến Quang Trung Nguyễn Huệ không thể không nhắc đến La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.
 
Là một người nổi tiếng học rộng, hiểu sâu “nhất cử thành danh”, nhưng sống dưới thời nhiễu nhương “vua thánh lâu chẳng hiện, loạn lạc cứ tràn lan”, buồn nản vì cảnh triều đình mục ruỗng, chúa Trịnh lộng quyền, rồi cảnh giặc giã liên miên, cảnh đen bạc của nhân tình thế thái, Nguyễn Thiếp chán ngán nên rũ áo, từ quan, về trại Bùi Phong trên núi Thiên Nhẫn sống cuộc đời ẩn cư.
 
Điểm đặt Sùng chính thư viện của Nguyễn Thiếp trên núi Bùi Phong
 
Khi vua Lê Chiêu Thống rước voi về dày mả tổ ông lại tự nguyện ra giúp nước, khi mà trước đó Nguyễn Huệ đã ba lần cho mời ra hợp tác nhưng ông đều từ chối. Buổi đàm đạo về cách chống giặc ngoại xâm hai người tâm đầu, ý hợp trong phương án thần tốc đánh giặc, củng cố thêm niềm tin chiến thắng của Quang Trung.
 
Sau chiến thắng lịch sử đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược, Quang Trung về Phú Xuân rồi cho mời Nguyễn Thiếp vào kinh. Chưa đầy 10 ngày sau khi hội kiến với Nguyễn Thiếp, Vua Quang Trung đã ban chiếu lập “Sùng Chính Thư Viện” ở núi Thiên Nhẫn nơi Nguyễn Thiếp ở ẩn và mời cụ làm viện trưởng: “Ông đã lấy học thuật biện rõ bên tà, bên chính trong phép học. Trẫm rất vui lòng. Trẫm định đặt Sùng Chính Thư Viện ở Vĩnh Kinh, tại núi Nam Hoa, ban cho ông làm chức Sùng Chính viện - Viện trưởng. Cho ông hiệu La Sơn Tiên Sinh và giao cho ông chuyên coi việc dạy học.
 
Núi Thiên Nhẫn lần nữa được ghi thêm một dấu ấn quan trọng của thời nhà Tây Sơn. Ở đây từng là Đại Trại của các vương triều Lý, Trần, là hành cung Nam Hoa của nhà Hậu Trần, thành Lục Niên của khởi nghĩa Lam Sơn - Lê Lợi. Nay có thêm trại Bùi Phong và Sùng Chính Thư Viện.
 
Với cương vị Viện trưởng Viện Sùng Chính, Nguyễn Thiếp đã đề ra những cải cách về văn hóa, giáo dục của nước nhà cuối thế kỷ 18. Thực hiện chủ trương của Quang Trung: chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước Việt. Đồng thời, La Sơn Phu Tử còn là một nhà giáo có công lớn đối với nền giáo dục nước nhà. Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung tổ chức ở Nghệ An năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm Chánh Chủ khảo. Đáng lưu ý, La Sơn Phu Tử còn được Quang Trung tin tưởng giao cho việc thẩm định đức độ và tài năng của những người mới ra hợp tác với nhà Tây Sơn.
 
Ngoài Viện Sùng Chính, La Sơn Phu Tử còn được vua Quang Trung giao phó một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, việc chọn địa điểm để xây dựng kinh đô mới. Quang Trung viết chiếu mời Nguyễn Thiếp xem đất đặt đô: "Nay kinh Phú Xuân thì hình thế cách trở. ở xa trị Bắc Hà, sự thế rất khó khăn. Theo đình thần nghị rằng, chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện, tiện việc đi về".
 
Trong những lần ra Bắc tiêu diệt quân chúa Trịnh, quan quân dưới quyền lộng hành và cả chuyến ra bắc đại phá quân Thanh, vua Quang Trung có ý đặt Trung Đô ở Lam Thành - Phù Thạch bởi nơi đây có cảnh sắc tốt. Nguyễn Thiếp viết tờ khải gửi vào Phú Xuân khuyên nhà vua không nên xây dựng kinh đô tại Phù Thạch mà chọn vị trí khác là Yên Trường. Lời khuyên của La Sơn Phu Tử được nhà vua đồng ý. Vị trí được vua Quang Trung chọn để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô là khu vực nằm giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Cánh Phượng và núi Con Mèo) ở xã Yên Trường, huyện Châu Lộc - Nghệ An.
 
Qua nhiều nguồn sử liệu cho thấy, vua Quang Trung đã nhiều lần hồi giá và ngự giá tại Phượng Hoàng Trung Đô vào các năm 1789, 1791, 1792… Thậm chí Quang Trung đã từng tổ chức ngự triều tại Phượng Hoàng Trung Đô. Trong một bức thư gửi La Sơn Phu Tử, nhà vua viết: "Trẫm nay đóng đô tại Nghệ An, cùng tiên sinh gần gũi. Rồi đây, tiên sinh hãy ra đây mà giúp nhau trị nước".
 
Hiện nay, dưới chân núi Dũng Quyết vẫn còn lưu dấu vết tích của Phượng Hoàng Trung Đô. Di tích này rộng khoảng 10 mẫu, thành nội có bờ nam dài 300m, bờ tây dài 450m. Hai vách thành ở phía đông và bắc dựa vào dãy núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân. Bờ thành được xây bằng đất với chiều cao khoảng 20m. Giữa thành có tòa lầu 3 tầng, phía trước có bậc tam cấp xây bằng đá ong và gạch, phía sau có hai hành lang nối với điện Thái Hòa.
 
Đáng tiếc, khi công cuộc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô đang dang dở. Hơn nữa khi đất nước dưới triều đại Quang Trung Nguyễn Huệ đang trên bước chuyển mình đầy triển vọng thì vua đột ngột lâm bệnh nặng. Ngày 29-7 năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung băng hà. Quang Toản lên ngôi nhưng không thực hiện việc dời đô ra Nghệ An. Kể từ đó, qua khói lửa chiến tranh cùng với sự triệt hạ của nhà Nguyễn, Phượng Hoàng Trung Đô dần lùi vào dĩ vãng.
 
Đền thờ Vua Quang Trung toạ lạc trên đỉnh núi Dũng Quyết hiện nay
 
Đền thờ Vua Quang Trung Nguyễn Huệ toạ lạc trên đỉnh núi Dũng Quyết, nơi được xem là đất tứ linh có 4 chi: Long thủ (đầu Rồng), Phượng dực (cánh Phượng Hoàng), Quy bối (lưng Rùa), Kỳ Lân (con Mèo). Đền được xây dựng trên chi Phương Dực, cao 97m.
 
Việc xây dựng đền thờ Quang Trung đã thỏa lòng mong ước của người dân muốn có nơi thâm nghiêm để tưởng nhớ đến vị anh hùng của quê hương, của dân tộc - Một trong những lãnh đạo quân sự xuất sắc, chính trị tài giỏi và nhiều cải cách xây dựng đất nước. Người được xem là người anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam. Người khi mới 22 tuổi đã là tổng lãnh binh đánh quân chúa Nguyễn ở Đàng trong. Người xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước bởi cuộc nội chiến hơn hai thế kỷ, mở ra một trong những cơ sở quan trọng cho việc thống nhất quốc gia sau này. Người mà chỉ trong vòng 5 năm hai lần đại thắng quân xâm lược đến từ hai đầu đất nước. Đó là hiện tượng chưa từng có của lịch sử dân tộc. Từ đây, theo cách nói của Đại trướng Võ Nguyên Giáp: "Quân đội nông dân đã chuyển hóa một cách kỳ diệu và tự nhiên thành quân đội dân tộc".
 
Những địa danh như Phượng Hoàng Trung Đô ở thành phố Vinh, Lam Thành ở huyện Hưng Nguyên; Núi Đại Huệ, núi Bùi Phong ở huyện Nam Đàn; Thung Đóng quân, Thung Đong quân, bãi Diễn thuyết ở Hoàng Mai là nơi ghi đậm dấu ấn vua Quang Trung Nguyễn Huệ và con em xứ Nghệ cùng nghĩa quân Tây Sơn trước giờ hành quân thần tốc ra Thăng Long làm nên chiến công hiển hách, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược bằng chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa, chiến thắng đi vào lịch sử của dân tộc ta như là ánh hào quang rực rỡ chói sáng, một bản anh hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.
 
Cùng với khu di tích Phượng hoàng Trung đô, đền thờ Hoàng Đế Quang Trung trên đỉnh núi Dũng Quyết là một di tích nằm trong quần thể di tích và dấu tích Quang Trung  trên quê hương xứ Nghệ là những chứng tích của một thời kì oanh liệt trong lịch sử dân tộc. Đây là một trong những điểm du lịch lịch sử - văn hóa và tâm linh trên đất Lam Hồng. Một lần nữa xin cảm ơn sự trân trọng và thành kính của mỗi du khách khi đến dâng hương tưởng niệm các bậc anh hùng hào kiệt của dân tộc ở vùng đất sông núi hữu tình, giàu chất sử thi, đậm đà bản sắc xứ Nghệ này.
Tác giả bài viết: Thanh Hùng
Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh