Đã vào tuổi 80 nhưng thời gian dường như không làm mất đi sự tươi tắn và nụ cười gần gũi trên khuôn mặt của người diễn viên lứa đầu tiên của ngành Điện ảnh Việt Nam.
Sinh ra ở Thành phố Vinh, Nghệ An trong một gia đình giàu có, cô tiểu thư Mai Châu lớn lên trong nhung lụa, được theo học đủ cả "cầm kỳ thi hoạ" nữ công gia chánh theo trào lưu "Tây hoá" bấy giờ. Là người tài sắc vẹn toàn và không ít chàng trai si mê nhưng bà từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Trốn nhà đi học cứu thương rồi theo đoàn quân Nam tiến, bà được phân công vào đoàn ca múa phục vụ chiến sĩ. Cực khổ, thiếu thốn, có khi phải hát thâu đêm bên hố bom còn khét mùi bom đạn, nhưng những ánh mắt ngập tràn niềm vui của các chiến sĩ giúp bà vượt qua tất cả. Bà trở thành diễn viên của đoàn kịch tiền tuyến năm 1950.
Đoàn kịch do một nghệ sỹ người Hà Nội là Vũ Kỳ Lân làm trưởng đoàn, người sau này là người chồng yêu quý, luôn song hành với bà suốt cuộc đời làm nghệ thuật.
NSƯT Mai Châu trong phim "Lá ngọc cành vàng"
Nghề diễn viên điện ảnh thực sự đến với Mai Châu vào năm 1956, khi bà được nhận về Xưởng phim Việt Nam trong bộ phận lồng tiếng cùng với Trịnh Thịnh, Đức Hoàn, Hoàng Yến. Tình cờ trong cuộc thi tuyển, cả nhóm được tuyển chọn làm diễn viên chính thức.
Vai đầu tiên của bà là một bà mẹ trong bộ phim "Cô gái công trường", đến vai Lệ Mỹ trong phim truyện "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn" là bước chuyển ngoặt lớn.
Vai này thành công đến nỗi sau đó cái tên diễn viên Mai Châu luôn gắn liền với những vai phản diện, vai đài các, sang trọng như bà Nghị Quế (phim Chị Dậu), bà Phó Đoan (Sao Tháng Tám), vợ Bá Kiến (Làng Vũ Đại ngày ấy), Hoàng Thái Hậu (Đêm hội Long Trì)... "Phải đóng các vai bà quan, nhân vật "xấu" thì ức lắm. Nhưng cứ được vào vai là sướng rồi, chẳng ai nghĩ đóng các vai đó thì được gì, sẽ như thế nào đâu?
Ngày xưa diễn viên hồn nhiên lắm. Kịch bản yêu cầu vai Lệ Mỹ phải là một tư sản béo tốt, nhưng diễn viên thật lại quá gầy. Vậy là với chế độ thanh sắc đặc biệt ăn cơm ở cơ quan, chỉ một tháng sau bà tăng 1,5 kg. Sợ quá, nài nỉ mãi đạo diễn mới chấp nhận vai Lệ Mỹ béo như thế là vừa!" - bà tâm sự.
Với hơn 30 vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong các phim truyện nhựa, vi deo, truyền hình và cả phim nước ngoài. Bà được phong NSƯT ngay từ đợt đầu tiên vào năm 1996. "Diễn viên ngày xưa chỉ cần đóng một phim là nổi tiếng, không như bây giờ, vai nào cũng giống vai nào!".
Bà nói vậy và say sưa kể về lớp diễn viên xưa, về Trịnh Thịnh, Đức Hoàn... đã phải cùng ăn, ở tại bản làng người Mông để nhập vai cho đạt. Cách đi, cách nhìn đều phải cho ra lý lịch của nhân vật, cách quệt mồ hôi của một ông giáo cũng khác một người làm ruộng...
Bà không nói nhiều về mình nhưng khi nhắc đến Mai Châu, người ta không thể quên được một nhân vật bà Nghị Quế đanh đá, cay nghiệt. Lâu rồi bà cũng ít làm phim, gần đây là phim "Hoa đào ngày Tết" của đạo diễn Xuân Sơn, cũng là cách cho đỡ nhớ nghề.
Bà "Nghị Quế" nay ở một căn nhà khang trang, đầm ấm ở phố Hàng Bông, Hà Nội, mà theo bà tất cả là do áo cưới. Cũng thật thú vị, một nhân vật "nanh ác" trên màn ảnh đang tâm chia cắt sự yên bình của gia đình chị Dậu, thì ngoài đời lại tô điểm thêm cho những con tim hạnh phúc. Bà là người đầu tiên trong nghề làm nghề tay trái, cho thuê áo cưới và trang điểm cô dâu.
Theo bà, "Người ta có thể yêu nghề, đam mê cuồng nhiệt trên từng vai diễn nhưng không thể sống bằng nghề, nhất là với lớp người cùng thời, từng coi nghiệp diễn là một trách nhiệm hồn nhiên". Và để sống, để tồn tại theo đuổi nghệ thuật thì phải là "áo cưới Mai Châu”.
Sau ngày giải phóng vào dự liên hoan phim ở Sài Gòn, trong lúc rảnh rỗi bà thường đi dạo trên đường phố Đồng Khởi tràn ngập cửa hàng cho thuê áo cưới đã làm bà nảy ra ý tưởng kinh doanh.
Nhưng khi bàn với chồng - bấy giờ là Giám đốc điện ảnh Quân đội - ông ấy gạt đi: "Em là diễn viên, anh là bộ đội, mở kinh doanh thế người ta cười cho". Thời ấy là vậy... Nhưng đến năm 80 thì "túng" quá, nhìn mấy đứa con thiếu thốn mà không cầm lòng.
Bà vào Nam mua mấy bộ quần áo cưới về để trong nhà, chiến dịch tiếp thị bằng cách cho mượn quần áo và trang điểm hộ cô dâu. Rồi có người giới thiệu, người đến thuê ngày càng nhiều, có ngày đến 80 bộ quần áo và trang điểm cô đâu để tối về xách theo một "bịch bạc". Mai Châu 1, 2, 3 lần lượt ra đời tại Lý Nam Đế, Hàng Bông và mở ra con đường đi mới cho hàng loạt diễn viên sau này.
Đã đi gần hết quãng đời, nhìn lại con đường đã qua hẳn bà cũng rất hài lòng trước cái ngưỡng hạnh phúc của cuộc đời, giản dị và chân thực, NSƯT Mai Châu đã tìm được tình yêu cho mình, có những đứa con thành đạt và hơn thế là được sống với tiếng gọi con tim mang tên "Điện ảnh".