Tại Hội thảo về thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các bệnh viện công lập, tổ chức tại Hà Nội ngày 19/9, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh khẳng định trên, trước thông tin lo ngại của nhiều người dân khi 350 dịch vụ này đồng loạt tăng giá vào cuối năm nay.
Bộ Y tế sẽ tính toán kỹ dịch vụ nào cần tăng giá trước, dịch vụ nào cần tăng sau và mức tăng là bao nhiêu để vừa đảm bảo bệnh viện không bị lỗ, người dân
cũng chấp nhận được. Ảnh: H.Hải
Trước đó, trong đề xuất gửi Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Y tế cũng đề xuất mức tăng viện phí theo lộ trình để giảm tác động mạnh tới người dân. Theo đó, trong năm 2011- 2012, Bộ Y tế đề xuất tăng phí 350 trong tổng số 3.000 dịch vụ đang được thực hiện tại các bệnh viện.
Mức điều chỉnh viện phí lần này vẫn kế thừa nguyên tắc là thu một phần viện phí. Các cơ sở y tế cũng không được thu ngay theo mức tăng tối đa, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định mức thu của các bệnh viện thuộc trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức thu của các bệnh viện thuộc địa phương trong phạm vi khung giá đã quy định.
Đến giai đoạn 2013- 2015, khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển thì mới thực hiện tính giá viện phí theo theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ, trừ phần ngân sách Nhà nước bảo đảm gồm kinh phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng và một phần quỹ tiền lương cơ bản.
Từ năm 2016 trở đi, các bệnh viện sẽ thực hiện theo nguyên tắc tính đầy đủ chi phí, kể cả tiền lương vào giá viện phí. Cũng kể từ thời điểm này sẽ cho phép kết cấu vào giá dịch vụ.
Riêng 350 dịch vụ dự kiến tăng giá trong giai đoạn 2011 – 2012, Bộ Y tế không đề xuất tăng đồng thời cả 350 dịch vụ này mà tăng giá dịch vụ nào trước, dịch vụ nào sau còn phải tính toán. Như với chi phí khám bệnh chỉ ở mức 3.000 đồng/lần là quá bất hập lý, chắc chắn phải tăng nhưng tăng giá lên 15.000 hay 30.000 đồng thì còn phải tính toán, thẩm định.
Để thẩm định giá viện phí, Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng chuyên gia độc lập để tính giá viện phí trên cơ sở đề xuất của các bệnh viện. Hội đồng Thẩm định khung giá viện phí bao gồm thành viên một số vụ, cục của Bộ Y tế, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Bộ LĐ-TB-XH, BHXH Việt Nam và đại diện phía bệnh viện sẽ đảm nhiệm là một đơn vị độc lập, khách quan trong việc thẩm định khung giá viện phí mới. Viện phí mới được xây dựng trên cơ sở người dân chấp nhận được và đảm bảo công bằng và sẽ cố gắng trình Chính phủ xem xét mức giá viện phí mới vào đầu năm 2012.
Tú Anh-Báo Dân Trí