“Lúc đầu tôi và 2 người bạn cùng đi tìm rùa núi, thấy một thân cây mục nát, nghĩ là đồ đáng làm củi nhóm lửa thôi. Sau thấy 2 cha con người bạn săm soi chăm chú, tôi đến gần nhìn kỹ. Bỗng tôi chợt nhớ có ai đó nói nếu đốt có mùi thơm là kỳ nam. Tôi lấy một miếng nhỏ đốt thử, đúng thật có mùi thơm. Tôi lấy về một ít, đem bán và có người trả giá cao, vậy là tôi quay lại vét sạch số kỳ nam đó. Chính nó đã giúp cuộc đời tôi trở nên sung túc” - vừa nhâm nhi ly trà nóng, “tỷ phú thiểu số” vừa nhớ lại.
Hai cha con đồng hành cùng ông trong lần “nhặt được lộc trời” đó là ông Phạm Văn Sắc (60 tuổi) và con trai Phạm Văn Lai (30 tuổi), cùng ngụ ở xã Ba Lế, huyện Ba Tơ.
Ông Coi ngắm nghía khối kỳ nam còn sót lại
Gian nan ngày đầu bán kỳ nam
Lúc đó, cả 3 người cùng hy vọng đó là kỳ nam thật, mỗi người đem về một ít bán thử và không được tiết lộ cho bất kỳ ai biết. Về đến nhà cùng “chiến lợi phẩm” gồm một bao kỳ nam và con rùa núi; ông Coi nhờ người quen có xe máy ở trong thôn chở đi bán.
Vị khách đầu tiên mà ông Coi gạ bán là anh Hoàng Văn Thuyền - chủ tiệm tạp hoá ở gần UBND xã Ba Bích. Sau khi giới thiệu hàng cho khách xem, ông Coi ra giá tất cả (gồm bao kỳ nam và 1 con rùa núi nặng hơn 1kg) 300.000 đồng. Nếu là kỳ nam thật thì giá này quá “bọt bèo”. Quan sát và ngắm nghía con rùa với bao “củi” đen xì, anh Thuyền nói: “Trầm trọt gì cái thứ củi khô này, trả lại cho ông, chỉ mua con rùa giá 120.000 đồng”. Ông Coi lắc đầu và tiếp tục rao bán.
Là người sành sỏi trong việc buôn bán, anh Thuyền tâm sự: “Loại hàng mà ông Coi đưa cho tôi xem, nhìn không giống như thứ trầm mà những lần trước đã nhìn thấy. Bao nhiêu năm sống ở đây, không ai lạ gì với ông Coi đâu. Có khi nào chúng tôi nghe ông ấy đi tìm trầm đâu, nên khi ông Coi giới thiệu là trầm thì làm sao tôi tin. Lúc đó tôi liều mua luôn, chắc giờ này kiếm một khoản lớn rồi”, anh Thuyền cười tiếc nuối.
Ngoài anh Thuyền, nhiều người dân địa phương khác cũng từ chối thẳng thừng. Không nản chí, ông Coi tiếp tục mang ra thị trấn Ba Tơ. Tại đây, vị khách tiếp theo là một chủ tiệm vàng, họ xem rồi bảo ông Coi về nhà, để lại toàn bộ số hàng và họ tìm người bán giúp. Đến chiều ngày hôm sau, chủ tiệm vàng đến và đưa cho ông Coi 8 triệu đồng.
“Thật tình lúc đó tôi không biết đó có phải là kỳ nam không, nhưng với số tiền mà ông chủ tiệm vàng đã đưa nhiều như vậy, tôi nghĩ thứ đó rất có giá trị. Sáng sớm hôm sau, tôi cùng cha con ông Sắc tiếp tục mang bao, dụng cụ quay lại vị trí cũ lấy thêm đem về”, ông Coi kể lại.
Tỷ phú chăm chỉ lên rẫy
Mặc dù ông Coi không tiết lộ nguồn thu từ kỳ nam là bao nhiêu, nhưng qua cơ ngơi ai cũng biết ông đang sở hữu gần chục tỉ đồng.
Năm 2007, ông Coi đã bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để xây một căn nhà 2 tầng như căn biệt thự, với đầy đủ tiện nghi trên vùng núi hoang vu. Đến năm 2008, ông Coi tiếp tục gây “sốc” khi chi ra hơn 800 triệu đồng để mua chiếc ô tô hiệu Ford Everest. Hiện ông Coi là người thiểu số duy nhất ở miền núi Quảng Ngãi có ô tô con.
Cuộc sống này với ông Coi vẫn là giấc mơ, và ông chưa một ngày sống lãng phí giấc mơ đó.
Tư duy của người đồng bào dân tộc thiểu số xưa nay vốn kiếm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, ăn cho bằng hết tiền trong túi, khi nào hết lại kiếm tiếp. Riêng ông Coi, dù “bất thình lình” sở hữu số tiền hàng tỷ đồng nhưng ông vẫn rất tiết kiệm, đem số tiền gửi vào ngân hàng, lấy lãi suất chi tiêu hàng tháng.
Không chỉ vậy, hàng ngày từ sớm tinh mơ đến tối mịt, ông Coi vẫn chăm chỉ vào rừng phát rẫy, trồng cây keo làm nguyên liệu giấy. Vì thế, cuộc sống của gia đình ông Coi luôn sung túc, an nhàn, không sợ bất trắc xảy ra.
Được biết ông có 2 người con; cô con gái đầu đã lập gia đình; còn cậu con trai út đang học lái xe, mong tìm kiếm công việc ổn định.