Là một ông đồ xứ Nghệ, tôi rất vui mừng và phấn khởi khi đọc được tin sau đây:
Trong kì thi Đại học vừa qua, cả 50 học sinh lớp 12A1 của trường THPT Thanh Chương I, tỉnh Nghệ An đều đỗ vào các trường ĐH với điểm bình quân ba môn thi là 23,6 (so với điểm bình quân cao nhất toàn quốc là 21,24 của khối chuyên trường ĐH QG Hà Nội).
Cụ thể, có 40 em đạt trên 20 điểm, có 22 em 24 điểm trở lên, hai em đạt á khoa của các trường ĐH tốp đầu. Thật là một thành tích đáng khâm phục và tự hào.
Điều đáng khâm phục hơn nữa là trường Thanh Chương 1 thuộc huyện Thanh Chương, huyện miền núi của Nghệ An. Học sinh trong lớp 12A1 của trường phần lớn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, 3 em thuộc xã vùng cao, 5 em thuộc gia đình nghèo, 8 em thuộc gia đình cận nghèo, 3 em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Có vẻ như “càng nghèo càng học giỏi” vẫn còn là chân lí trong thời đại bây giờ.
Sau mấy hôm, báo Dân Trí đưa tin: Sở GD&ĐT Nghệ An đã có tờ trình “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho tập thể lớp 12A1 trường Thanh Chương 1 vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kì thi tuyển sinh ĐH năm 2010-2011”.
Tôi không phấn khởi, trái lại thấy rất băn khoăn.
Nếu đề nghị đó được chấp nhận, Bằng khen đã được Thủ tướng kí, trường Thanh Chương 1 sẽ tổ chứng đón nhận Bằng khen một cách tưng bừng, đại diện Sở, Đại diện UBND tỉnh, huyện đều về dự…, đó là chuyện bình thường.
Chuyện không bình thường có thể sẽ xảy ra vào kì thi ĐH năm sau. Tôi đoán, tỉnh nào cũng sẽ có ít ra là một lớp đỗ ĐH một trăm phần trăm. Có người sẽ hỏi: thế thì tốt quá, tại sao lại băn khoăn? Tô xin trả lời, vì tình hình sau đây sẽ trở nên phổ biến (với giả thiết Bằng khen đã được kí):
Ban Giám hiệu trường A họp để bàn về kế hoạch hành động năm tới. Ông Hiệu trưởng nói, đại ý: Trường ta năm vừa rồi tỉ lệ tốt nghiệp cũng kha khá, lớp chọn có 48 em mà đậu đến 45 em. Tiếc là có 3 em trượt nên không được bằng khen của Thủ tướng. Năm nay chúng ta phải phấn đấu để được Bằng khen. Và đó cũng là ý kiến của Giám đốc Sở đối với "trường ta là trường điểm của tỉnh nhà".
Cuối cùng biện pháp để có lớp đạt “trăm phần trăm” hóa ra không khó.
“Tuyển vào lớp chọn thật kĩ lưỡng, thấy em nào không vuơn lên được thì chuyển sang lớp khác và lấy những em giỏi ở lớp khác thay vào. Điều đó phải thực hiện thường xuyên, nhất là những ngày sắp thi tốt nghiệp”.
Đó chính là “bệnh thành tích” vào giai đoạn nguy kịch vậy!
Văn Như Cương |