Người gửi tiền chỉ được bảo hiểm với tiền gửi bằng đồng Việt Nam, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và các tài sản khác như vàng, kim loại quý… Quy định này nhằm chống tình trạng đô-la hóa nền kinh tế.
Luật Bảo hiểm tiền gửi lần đầu được trình xin ý kiến tại UB Thường vụ QH chiều 12/10. Nội dung dự thảo do Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trình bày quy định không bảo đảm tiền gửi của các hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Việc bảo hiểm tiền gửi cho các đối tượng này, theo phân tích, không phù hợp mục tiêu bảo vệ những người tiêu dùng nhỏ lẻ, thiếu thông tin.
(Ảnh minh họa)
Mặt khác, tiền gửi của các tổ chức mang tính luân chuyển cao, chủ yếu nhằm mục đích thanh toán chứ không phải gửi tiết kiệm. Do vậ, dự luật quy định chủ thể được bảo hiểm tiền gửi chỉ là cá nhân.
UB Kinh tế “gật đầu” với quan điểm này khi thẩm tra dự án luật. Chủ nhiệm UB – ông Nguyễn Văn Giàu phân tích, các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội khi gửi tiền không thể có vấn đề thiếu thông tin về ngân hàng, tổ chức tín dụng mình lựa chọn. Đó cũng là một quyết định kinh doanh, phần nào cũng phải chấp nhận rủi ro nhất định.
Vấn đề loại tiền gửi được bảo hiểm, Điều 18 dự thảo luật quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền bằng đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và tài sản khác.
Cơ quan soạn thảo lý giải, chính sách ngoại hối của Việt Nam hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam và chống tình trạng đô-la hóa.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên áp dụng bảo hiểm tiền gửi với cả ngoại tệ và vàng, kim loại quý… cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Hiện, một lượng lớn tiền gửi băng ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng thương mại không được bảo hiểm.
Chủ nhiệm UB Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu ví dụ so sánh: trường hợp người lao động ở nước ngoài, có tiền gửi về nước thì sẽ gửi đô-la, ngoại tệ mà không được bảo hiểm là không đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
“Việc chống đô la hóa là trách nhiệm, công việc của cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ có thể can thiệp bằng cách quy định khi rút tiền sử dụng tại Việt Nam phải đổi ra đồng tiền Việt Nam để lưu thông. “Phạm” vào quyền của người gửi tiền là không công bằng” – ông Hiển phát biểu.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình “bác” lại, cho rằng ý kiến này không phù hợp thông lệ quốc tế cũng như chủ trương của Chính phủ trong 5 năm tới quyết liệt chống tình trạng đô-la hóa. Quan hệ gửi – vay ngoại tệ, theo ông Bình, phải khắc phục để tiến tới chuyển sang quan hệ mua – bán. Người dân, doanh nghiệp có ngoại tệ phải bán cho ngân hàng, khi có nhu cầu lại tới ngân hàng mua.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng quan tâm đến tiềm lực của Quỹ bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Ông Hùng dẫn chiếu thực tế ở Mỹ, mỗi năm tới 100-200 ngân hàng đổ bể vẫn “không vấn đề gì”. Quỹ dự trữ liên bác FED không cần can thiệp vì bảo hiểm có thể chi trả một lúc 200-300 tỷ USD.
“Việt Nam đang hướng tới hình thành thị trường tài chính hệ thống, vững mạnh nhưng chỉ một tổ chức tín dụng nhỏ cũng không thể để xảy ra đổ bể trong khi phải có việc sàng lọc, loại bỏ mới phát triển hoàn thiện được” – chủ tịch QH phân tích nghịch lý.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận, mục tiêu và nội dung đặt ra của luật Bảo hiểm tiền gửi đã xác định rõ là phù hợp đặc thù kinh tế Việt Nam. Quỹ bảo hiểm ở Mỹ lớn vì tích lũy qua thời gian dài nên khả năng bảo hiểm lớn.
Ở Việt Nam, nếu tính 30% số tiền gửi là huy động trong dân tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng. Con số này so với số vốn hiện có của Quỹ bảo hiểm tiền gửi còn rất nhỏ, tương lai nhiều năm nữa vẫn chưa thể tương xứng.
Niềm tin của người dân khi gửi tiền, chưa trông vào việc bảo hiểm mà từ chính sách, môi trường tài chính tạo ra trong nước. Mức xếp hạng rủi ro của bảo hiểm tiền gửi, theo đó, tương ứng mức rủi ro của quốc gia. Vì vậy, mục đích xây dựng luật cũng để hướng tới thói quen, tiếp cận dần với thông lệ quốc tế.
Tán thành quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân “chốt” lại phiên thảo luận với yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của hoạt động bảo hiểm tiền gửi đề ra cho đúng thực tế. Không thể quy định, bảo hiểm tiền gửi để phòng chống đổ vỡ dây chuyền với các ngân hàng, tổ chức tín dụng vì số vốn trong Quỹ hiện tại, đổ vỡ tại một ngân hàng cũng khó giải quyết, chưa nói đổ vỡ dây chuyền. Nếu có hiện tượng đó, nhất quyết NHNN phải “ra tay”, không trông chờ quỹ Bảo hiểm tiền gửi.
P.Thảo (Dân trí)