Tư thế ngồi và ánh sáng không đúng quy chuẩn dễ dẫn đến tật khúc xạ về mắt |
Qua điều tra, hiện nay toàn tỉnh có hiện có 100.000 người kém thị lực, 35.000 người người mù, 20.000 người bị bệnh đục thủy tinh thể. Hàng năm, có trên 3.000 người bị mắc mới. Đặc biệt, một trong những căn bệnh gây mù đó là tật khúc xạ học đường lại đang có xu hướng tăng nhanh tại Nghệ An. Hiện con số này đang ở mức cao từ 7%- 30%, trung bình là 15%. Ước tính toàn tỉnh có 53.000 học sinh bị tật khúc xạ, nhưng trong đó chỉ có khoảng 10.600 học sinh đã và đang được đeo kính. Riêng, tại thành phố Vinh có tới 30% học sinh cấp 2 bị tật khúc xạ. Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng – Trung tâm mắt Nghệ An cho rằng: Học sinh bây giờ dễ mắc tật khúc xạ bởi xem tivi, ngồi trước máy tính quá nhiều và gần. Tư thế ngồi và ánh sáng khi các em ngồi học không đúng quy chuẩn…
Cách đây khoảng 10 năm, trẻ em bắt đầu bị cận ở lứa tuổi 10 trở lên thì nay ở lứa tuổi nhỏ hơn rất nhiều, từ 6 - 8 tuổi. Và điều đáng báo động là ở lứa tuổi này các em chưa tự nhận biết được những dấu hiệu của cận thị và ít bậc phụ huynh để ý phát hiện cận thị cho con mình ở lứa tuổi này. Chính vì thế mà các em khi được phát hiện đã bị cận nặng. Hiện nay, chưa có thuốc chữa bệnh cận thị. Phương pháp điều trị là phẫu thuật, tuy nhiên, việc phẫu thuật lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố đó là phải ở tuổi trưởng thành trên 20 tuổi, độ cận thị ổn định trong 1 năm mới có thể phẫu thuật được. Vì vậy việc phòng và hạn chế cận thị là phương pháp tối ưu nhất.
Khám, đo thị lực phát hiện cận thị học đường tại Trung tâm Mắt Nghệ An |
Quá trình học tập và giải trí thiếu khoa học ở tuổi học sinh có thể ảnh hưởng xấu tới khả năng điều tiết của đôi mắt, dẫn tới cận thị học đường. Tật cận thị có 2 biểu hiện chính: độ hội tụ của mắt tăng và trục trước sau của mắt dài quá giới hạn bình thường. Hậu quả là thị lực giảm, mắt không nhìn rõ vật ở xa, chỉ thấy vật ở gần. Vì vậy, bệnh cận thị hoàn toàn có thể phòng được nếu có sự phối hợp tích cực giữa học sinh, gia đình và nhà trường.