Bỗng dưng… mất nhà
Không giấu được bức xúc, anh Trần Văn Đồng, tổ 3, khối 11, P.Quang Trung cho biết: “Vợ anh là chị Trần Thị Mai, là công nhân của xí nghiệp bánh kẹo, trước năm 1990 vợ chồng mua lại căn nhà tập thể của Cty diện tích 27,5m2 với giá 200 nghìn đ/m2. Việc mua bán có giấy tờ và hàng năm đều đóng thuế cho Nhà nước đầy đủ. Sau khi mua lại căn nhà, để ở được, gia đình đã bỏ ra mấy chục triệu đồng để sửa chữa và làm mới, thế nhưng mới đây nghe phường thông báo nhà sẽ bị giải toả, Nhà nước chỉ đền đất còn tài sản trên đất kinh phí tháo dỡ gia đình tự bỏ ra không được đền bù. Họ cũng yêu cầu trong vòng 45 ngày kể từ khi bốc thăm được đất ở khu tái định cư (ngày 21/9/2011) người dân phải tự tháo dỡ nhà cửa bàn giao mặt bằng cho phường, nếu không sẽ bị cưỡng chế”.
Cùng chung cảnh ngộ như hộ gia đình anh Đồng là 13 hộ dân khác tại tổ 3, khối 11, P.Quang Trung, họ không biết sẽ ở đâu khi mà ngày phải bàn giao mặt bằng cho phường (ngày 05/11/2011) đang đến gần trong khi tài sản không được đền bù, khu đất tái định cư thì vẫn chỉ là bãi đất trũng ngập nước. “Từ đầu năm 1980 gia đình chuyển về khu tập thể ở, sau đó mua hoá giá lại của Cty. Mới đây họ bảo phải giải toả bố trí tái định cư nơi khác nhưng không đền bù tài sản. Không hiểu họ nghĩ như thế nào chứ 45 ngày xây công trình phụ thì được chứ xây nhà thì làm sao xong?”.
Ngoài ra, việc xây dựng, bố trí tái định cư cho 14 hộ dân nói trên mà P.Quang Trung, TP Vinh làm chủ đầu tư còn có nhiều dấu hiệu sai phạm. Cụ thể là việc phường là chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư thế nhưng việc người dân phải tự bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng, phải tự đi thuê tư vấn lập thiết kế, lập quy hoạch khu tái định cư. Chị Chu Thị Mai -một hộ dân sống trong khu tập thể cho biết: “Để làm hạ tầng, quy hoạch khu tái định cư mỗi hộ dân phải bỏ ra 14 triệu đồng thuê người làm. Đáng lý ra phường làm chủ đầu tư khu tái định cư họ phải làm chứ sao lại bắt chúng tôi phải tự đi làm”.
Làm trái quy định?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Thọ - Phó chủ tịch UBND P.Quang Trung, TP Vinh vẫn cho rằng việc làm của phường là có cơ sở, phường làm đúng chứ không sai: “Dự án do phường làm chủ đầu tư, phường áp dụng đền bù là theo đề án xoá nhà tập thể của TP nên không có phương án đền bù tài sản trên đất cho các hộ dân. Nếu áp dụng đền bù theo phương án GPMB đường Nguyễn Cảnh Chân nối dài thì sẽ có phương án đền bù tài sản cho các hộ dân. Việc làm quy hoạch, làm hạ tầng khu tái định cư người dân phải bỏ tiền ra và tự làm, việc này phường chỉ cho cán bộ hướng dẫn thực hiện thôi…”.
Tuy nhiên, ông Hà Thanh Tĩnh - Phó chủ tịch UBND TP Vinh khẳng định: “Dù áp dụng phương án xoá khu tập thể hay là giải toả để làm đường thì cũng phải đền bù đất cũng như tài sản trên đất cho người dân, P.Quang Trung không lập phương án bồi thường tài sản trên đất là không đúng. Theo quy định về bồi thường GPMB đơn vị nào làm chủ đầu tư thì ban đầu phải lập hồ sơ thiết kế, hạ tầng, việc để người dân tự bỏ tiền và đi làm là không đúng luật!”.
Giải tỏa trắng thì phải đền bù
Ông Lê Quốc Hồng - Phó chủ tịch UBND TP Vinh (người phụ trách đề án xoá nhà tập thể của TP Vinh) cho rằng: Phường đã hiểu không đúng, nếu là xoá khu tập thể mà tái định cư ngay tại chỗ, người dân đồng ý thì có thể không tính đến phương án đền bù tài sản trên đất. Còn đây là giải toả trắng cả khu tập thể và tái định cư đi nơi khác thì phải lập phương án đền bù tài sản cho các hộ dân theo đúng quy định.