“Hiện nay tình hình giáo dục đại học rất phức tạp, do thời gian vừa qua chúng ta mở trường ồ ạt lên tới hơn 400 trường ĐH, CĐ dẫn đến chất lượng thấp nên dư luận sợ và không tin vào chất lượng đào tạo của nhiều trường ngoài công lập”.
GS.VS Phạm Minh Hạc.
Sau sự kiện Đà Nẵng “nói không” với SV tại chức nay lại đến sự kiện Nam Định “nói không” với sinh viên trường dân lập. Điều đó không khác gì một cú đấm mạnh về chất lượng đào tạo đại học ngoài công lập của chúng ta hiện nay. GS nghĩ thế nào về vấn đề này?
Tất cả các trường công lập và trường ngoài công lập đều do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và đều do Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước về mặt chuyên môn. Khi người học đã học xong 4 năm đại học và bằng tốt nghiệp do hiệu trưởng trường cấp theo quy định nhà nước thì nên được đối xử công bằng, đúng tính pháp chế của nhà nước ta. Bằng tốt nghiệp của công lập hay ngoài công lập đều do Nhà nước quyết định và người học đều tin tưởng vào quyết định đó. Còn việc tuyển dụng người như thế nào, tốt hơn, có chất lượng hơn thì tùy thuộc vào cách lựa chọn phỏng vấn của từng cơ quan chứ không nên dựa vào tiêu chí bằng cấp.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định giải thích lý do không tuyển sinh viên dân lập vào các cơ quan hành chính là do đầu vào chất lượng thấp. Theo GS lý do như vậy có thỏa đáng không, trong khi đó các trường ĐH ngoài công lập (NCL) đều thực hiện tuyển theo mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT?
Tình hình giáo dục đại học hiện nay rất phức tạp, do thời gian vừa qua chúng ta mở ồ ạt trường ĐH, CĐ lên tới hơn 400 trường ĐH, CĐ dẫn đến chất lượng thấp nên dư luận sợ và không tin vào chất lượng đào tạo của nhiều trường NCL.
Cho nên việc quản lý Nhà nước phải tính toán cẩn thận, không thể mở tung ra hay như tháo khoán như vậy.
Đầu năm, Hiệp hội các trường NCL cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT giảm điểm sàn tuyển sinh nhưng bộ kiên quyết giữ điểm sàn. Nói chung, có đề nghị biện pháp này hay biện pháp khác chỉ để nhằm tuyển sinh thu học phí thì vấn đề chất lượng như thế nào.
Mọi biện pháp để có người vào học như vận dụng điều 33 hay người giới thiệu thí sinh đến học cũng được tiền, thí sinh vào trường cũng được thưởng tiền… như vậy rất nguy hiểm. Giáo dục thương mại hóa ghê quá, mua cả người học. Nếu làm như thế sẽ phá hoại nền giáo dục đại học của chúng ta, chúng ta không thể đào tạo nên những con người là nhân lực có trình độ cao, có đạo đức tốt để xây dựng nền công nghiệp và cao hơn nữa là xây dựng xã hội tốt đẹp.
Với tình hình giáo dục đại học phức tạp như hiện nay, theo GS ngành giáo dục cần phải làm gì?
Đại hội Đảng lần thứ XI đã đặt vấn đề “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” là rất đúng. Tuy nhiên, theo tôi muốn đổi mới thì trước hết phải chấn chỉnh cho tốt. Chuẩn bị những điều kiện tối thiểu để có chất lượng nhà trường như trường lớp phải đủ, thầy cô giáo phải đủ theo cơ cấu của môn học.
Về giáo dục đại học cần phải chấn chỉnh trước hết về việc mở trường và việc này chỉ có Thủ tướng mới có quyền. Tiêu chí đầu tiên mang tính đột phá để có nguồn nhân lực chất lượng cao theo tôi đó là nâng cao chất lượng. Nếu đủ sức làm chất lượng thì cho mở trường chứ đừng chạy theo tiêu chí mấy trăm sinh viên trên vạn dân thì không nên. Cái đó có tính đến nhưng chỉ là hệ quả tất yếu việc của ta làm.
Bên cạnh đó, không chạy theo mục tiêu đến năm nào Việt Nam có trường đại học “lọt” vào tốp này tốp kia của thế giới. Chúng ta chạy theo cái đó để làm gì. Cái đó là hệ quả đương nhiên trong tiêu chí của sự phát triển đất nước. Cần phải thực chất để đào tạo ra con người, có nghề nghiệp để nâng cao sản lượng lên.
Xin cảm ơn GS!
Hồng Hạnh (Dân trí)