Thu hút đầu tư ở Thành phố Vinh: Ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ
 Những năm qua, TP. Vinh đã khẳng định là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, có tầm chiến lược cho nhiều tập  đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ năm 2006 đến năm 2010 Thành phố có 101 dự án với tổng vốn gần 20.000 tỷ đồng được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Hiện Thành phố đang tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đổi mới tư duy và phương thức xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố; khai thác mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để xây dựng phát triển nhanh, bền vững và xứng tầm đô thị loại I và sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung bộ.



Trung tâm thương mại Vicentra

Thành phố phấn đấu đến 2015 thu hút được 30.000 - 35.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và vốn nước ngoài, chiếm 46,87 - 54,68 % tổng vốn đầu tư toàn xã hội; trong đó chú trọng thu hút các dự án FDI (đạt 4.500 tỷ đồng), đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịch vụ. Thành phố đã vận động viện trợ ODA đạt 4.000 tỷ đồng, chiếm 13,56 % tổng số vốn đầu tư; tiếp tục chú trọng các tài trợ đa phương (WB, ADB, KFW) và các dự án đầu tư hạ tầng đô thị (cấp thoát nước, xử lý chất thải);... Vận động viện trợ NGO đạt 2 - 3 triệu USD (40 - 60 tỷ đồng); tiếp tục vận động các tổ chức: OXfam - Bỉ, AAP - Mỹ, quỹ BilGate, quỹ Côtes d' Armor - Pháp... Thu hút đầu tư các dự án có định hướng và chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án và thẩm tra kỹ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của thành phố, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm ưu tiên, đảm bảo phát triển bền vững. Chủ trương thu hút và sử dụng vốn đầu tư trong thời kỳ 2011- 2015 là tiếp tục tranh thủ đi đôi với việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư để đảm bảo thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Để thực hiện định hướng thu hút đầu tư nêu trên, Thành phố khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào các ngành, lĩnh vực là phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và vùng ngoại thành; Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên; hạn chế các dự án có công nghệ, thiết bị lạc hậu, đóng góp ngân sách ít và sử dụng đất lớn. Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển thuận lợi, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và từng sản phẩm.

Phấn đấu đạt tốc độ phát triển cao, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - ngư nghiệp. Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chú trọng phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường; các cơ sở sản xuất công nghiệp tập trung vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhỏ ở ngoại ô thành phố. Huy động nguồn lực tại chỗ, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, của Trung ương để kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhỏ để phát triển mạnh các ngành có lợi thế cạnh tranh như: công nghiệp đồ uống; chế biến nông lâm, thuỷ sản; vật liệu xây dựng; dệt may; khoáng sản, lắp ráp ô tô, máy cơ giới nông nghiệp; phần mềm máy tính; viễn thông; cáp điện; da dày; thức ăn gia súc...

Thành phố sẽ đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy các mối quan hệ xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp của các thành phố đã có mỗi quan hệ liên doanh liên kết để thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý kinh tế, kỹ thuật đào tạo nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tạo đà phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn. Phát triển đa dạng các ngành công nghiệp có lợi thế về lao động đã qua đào tạo, nguyên liệu, thị trường v.v... của vùng Bắc Trung bộ. Kết hợp giữa đổi mới thiết bị, công nghệ các cơ sở hiện có, đồng thời xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp mới có công nghệ tiên tiến, hiện đại... Tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới: dự án phát triển đô thị Vinh, khu đô thị Smart City, nhà ở xã hội…



Sản xuất gạch ở KCN Bắc Vinh

Hiện Khu công nghiệp Bắc Vinh đã được lấp đầy, thành phố đang tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đạt kết quả caoTập trung cho phương án bồi thường giải phóng mặt bằng tại Cụm công nghiệp Hưng Đông; quy hoạch chi tiết một số cụm công nghiệp tại các xã mới sáp nhập vào thành phố: cụm công nghiệp Nghi Kim (43 ha), Nghi Liên (23 ha), Nghi Ân (28 ha), Hưng Chính (12 ha), Hưng Hòa (12 ha), Hưng Lộc (5,2 ha). Phát triển các khu chức năng là các khu đô thị mới; khu du lịch Lâm viên núi Quyết, Thành cổ Vinh, Khu du lịch ven sông Lam, Nam Vinh,...; và các xã đang có quỹ đất: Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Phú, Nghi Đức... Về lĩnh vực nông – lâm - ngư thu hút đầu tư vào các vùng chuyên canh ở vùng ven đô theo hướng bền vững, nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân như quy hoạch các vùng rau hoa cây cảnh ở xã Hưng Đông, Nghi Ân, Nghi Liên; vùng nuôi trồng thủy hải sản ở xã Hưng Hòa; lúa chất lượng cao ở Hưng Chính, ...

Hướng tới mục tiêu một  đô thị phát triển mạnh về dịch vụ, Thành phố quyết tâm xây dựng trở thành trung tâm thương mại vùng Bắc Trung bộ, là đầu mối trung chuyển xuất nhập khẩu, bán buôn và tiêu thụ sản phẩm; nơi đặt các trung tâm giao dịch, xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu việc làm, cung cấp lao động đã qua đào tạo với bán kính giao lưu kinh tế 150- 200 km. Khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của Thành phố để đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch, gắn du lịch Vinh – Cửa Lò và Kim Liên với du lịch vùng Bắc Trung bộ và Viêt Nam, coi du lịch Vinh như là một mắt xích trong hệ thống di lịch vùng và cả nước. Xây dựng Vinh trở thành trung tâm lưu trú và trung tâm phân phối khách du lịch của tỉnh và khu vực. Đồng thời với đó là cung cấp các dịch vụ chất lượng cao: dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố chủ trương tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực và kinh nghiệm, đặc biệt là các tổng công ty lớn trong nước; các tập đoàn, công ty đa quốc gia thuộc các nước thành viên EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc,... Gắn ưu tiên ngành, lĩnh vực đầu tư với đối tác đầu tư. Định hướng ODA được tập trung vào các lĩnh vực sau: Dự án phát triển đô thị Vinh: Tổng số vốn 125 triệu USD do ngân hàng Thế giới tài trợ, gồm 4 hợp phần: Cải thiện dịch vụ nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản; cải thiện vệ sinh môi trường; đường và cầu đô thị; hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực quản lý. Về Dự án giảm thất thoát nước thành phố Vinh công suất 60.000 m3/ngày do ngân hàng phát triển Châu Á tài trợ với tổng mức đầu tư, dự kiến hơn 23 triệu USD; Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường giai đoạn 3 với mức đầu tư dự kiến 50 triệu USD. Đối với NGO, ưu tiên vận động vào các lĩnh vực: phát triển nông nghiệp và nông thôn; kinh doanh nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng xã hội: y tế, giáo dục đào tạo, dân số; chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo dạy nghề.

Các  điều kiện phát triển của một đô thị loại I hướng mở, cùng các cơ chế chính sách thu hút  đầu tư ngày càng hoàn thiện, thông thoáng và thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, Thành phố Vinh khẳng định là một địa chỉ đầu tư hiệu quả tầm chiến lược cho các nhà đầu tư./.

Đình Sâm
Báo Nghệ An

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh