TP Vinh vừa tổ chức đón nhận di tích lịch sử văn hóa đền Hạ Mã tại phường Trường Thi.
Đền Hạ Mã hay còn gọi là đền Yên Lâm thuộc khối 4 phường Trường Thi là nơi hợp tự 4 vị thần: Đức Thánh Yên Lâm, Lý Lâm, Mật Hầu và Hồng Phúc, 4 vị đều là người bản thôn thượng xã Yên Dũng tổng Yên Trường phủ Hưng Nguyên. Đức Thánh Yên Lâm, Lý Lâm và Mật Hầu là dũng tướng, còn Hồng Phúc đại thần xuất thân từ khoa sử sống trong bối cảnh nhà hậu Lê suy vi. Năm 1527, Mạc Đăng Dung dành được quyền lực từ tay vua Lê Cung Hoàng lập ra nhà Mạc. Là trung thần triều Lê dưới thời vua Lê Nguyên Hòa, Đức Yên Lâm cùng Lý Lâm, Mật Hầu theo quan Đổng Nhung diệt quân Mạc lập nhiều công tích được nhà Lê thụ tước là Yên Lâm Hầu, 1 vị được phong Lý Lộc Hầu; Hồng Phúc Đại Thần thời Lê triều diệt Mạc khởi nghiệp trung hưng. 4 vị khi qua đời được nhân dân lập bài vị thờ tự, hiển linh tại thôn Yên Dũng Thượng nay thuộc khối 4 phường Trường Thi. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đền trở thành một di tích in dấu nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng của đất nước. Dưới thời phong kiến đền là nơi thờ tự và thành hoàng của địa phương. Trong phong trào xô viết 30-31 đền là nơi thường xuyên lui tới và hội họp của chi bộ đảng Yên Dũng Thượng. Thời pháp thuộc đền Hạ Mã trở thành nơi liên lạc và hội họp bí mật của các đồng chí đảng viên nhà máy xe lửa Trường Thi. Từ năm 1967-1972, đền được sử dụng làm nơi đặt pháo phòng không bảo vệ Thành Phố. Năm 1975, đất nước thống nhất đền được xã Hưng Dũng sử dụng là nơi huấn luyện dân quân tự vệ. Năm 1982, xã Hưng Dũng tách ra thành lập phường mới, từ đó đền Hạ Mã thuộc địa bàn quản lý phường Trường Thi. Đền Hạ Mã hôm nay nằm trong khuôn viên rộng gần 1.200m2, có 2 nhà được bố trí theo hình chữ nhị, đền hiện lưu giữ được bộ khung thượng và hạ điện, ở cột trụ chính còn nguyên dòng chữ hán: Tự Đức Thập niên Đinh Tỵ Phụng nghinh tu bổ. Ngày 6/9/2011 UBND Tỉnh Nghệ An đã có quyết định công nhận đền Hạ Mã là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Đây là điểm đến ý nghĩa trong hành trình của du khách khi đến thăm TP Vinh.
Hương Giang |