Trong gần 15 bài viết, ấn tượng nhất có lẽ là hồi ký “Thành Vinh ngày ấy’ của tác giả Thanh An. Bằng trí nhớ tuyệt vời, bà đã cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ về mọi con phố, con đường của Vinh trong những năm 40 của thế kỉ trước. Cùng với đó là những hồi ức đẹp đẽ về bạn bè, về trường học về những năm tháng tuổi thơ. Vinh dường như càng bí ẩn hơn với câu chuyện về những nhân vật nổi tiếng như phu nhân của hoàng thân Xuphanuvông, về cô vợ Việt xinh đẹp của giám đốc Sở Mật Thám. Ký ức được bắt đầu từ phố Marechat Ford con đường chính nơi có nhà ga Vinh nổi tiếng và cũng chính là đường Quang Trung hiện nay: “Từ trường Collège (Quốc học) xuống thẳng chợ Vinh qua chùa Diệc, qua Dépôt chứa đựng các toa xe lửa, đến nhà các chị Thọ, Thoa, Tuyết, Nguyên (cụ Phán Hoàng), chị em Khuê, nhà cụ Xếp Liên, xếp Hữu, đến sở police, rồi Hôtel dela gate chiếm góc phố hai mặt tiền trông thẳng ra nhà ga Vinh”… Trên con phố này còn có lò bánh mì, mang tên hiệu bánh Tây Vĩnh Thịnh nức tiếng, hiệu ảnh Vượng của gia đình ông Ham Nhuận, hiệu thuốc Sinh Huy, quán bar của người Pháp với “từng quầy rượu Tây và chỗ dancing lộng lẫy, trường Petit Colleege với hàng cây phượng mùa hè hoa đỏ rực che bóng mát quãng đường dài, có nhà Xéc( Cerle sports) rất đẹp được thiết kế theo kiểu dáng của chiếc tàu biển lớn.
Đường phố Vinh ngày trước
Phố chợ Thành Vinh ngày ấy
Một góc thành Vinh ngày nay
Sang bài viết của tác giả Doãn Hối, “kí ức thành Vinh” là những ngày đầu tiên của Cách mạng tháng 8, khi bọn Tàu Tưởng vào chiếm Trường Quốc học để làm nơi đóng quân và trường phải dời vào nội thành. Đọc bài viết này chúng ta mới biết rằng trong thời kỳ Tàu Tưởng chiếm đóng, một số học sinh đệ tam đệ tứ và thầy giáo theo Việt Nam quốc dân đảng đã kêu gọi toàn trường bãi khóa nhưng chính chủ tịch tỉnh Lê Viết Lượng đã tập trung thầy trò để hiểu dụ về cuộc bãi khóa cực kỳ sai trái đó. Riêng những học sinh như ông Doãn Hối dù còn ít tuổi nhưng đã bắt đầu giác ngộ cách mạng. Cũng với tinh thần cách mạng trên, người dân Vinh đã quay lưng với gánh xiếc lớn từ Anh quốc sang biểu diễn chỉ vì trong một tiếc mục hề có “một thằng hề đóng vai đội tây, đá đít một người Việt Nam cũng là thằng hề lộn tung ba vòng một cách điêu luyện”.
Tác giả Hà Hạnh – con trai của hiệu bánh Vĩnh Thịnh nổi tiếng nhớ lại: “Giữa giờ biểu diễn, xuất hiện một tiết mục hề. Mới ra sàn diễn khoảng một phút, đã gây ồn ào, la ó của khán giả khắp rạp, như muốn nổ tung cái rạp xiếc bằng nhà bạt ra làm nhiều mảnh. Chạm lòng tự ái dân tộc, mà đây lại là dân xứ Nghệ. Ngày hôm sau, người dân tẩy chay không thèm đi xem nữa. Cái ngày đen tối nhất, trưởng đoàn xiếc Anh quốc nhảy từ trên lầu 3 Hotel de la gare tự tử”…
Còn rất nhiều những kí ức đẹp đẽ khác được những người con của Thành Vinh – nay đã là những cụ ông, cụ bà ghi lại. Và cũng giống như các tác giả, đọc hết cuốn “ Ngày ấy thành Vinh”, trong tôi là một cảm giác nuối tiếc về những hình ảnh nay đã mất... Ký ức thành Vinh nay chỉ còn lại trong hoài niệm, trong nỗi nhớ khôn nguôi của những người con xa xứ chưa mấy lần được quay về.