Tổng cục Thuế hướng dẫn việc lập và xuất hóa đơn bán hàng

Ông Vũ Việt Cường (Hà Nội) đang làm kế toán cho một Công ty cổ phần đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc xuất hóa đơn bán hàng theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính.  

Theo phản ánh của ông Cường, hàng tháng Công ty viễn thông xuất cho công ty của ông một hóa đơn tổng cước của tất cả các khách hàng. Căn cứ vào đó công ty ông xuất hóa đơn cước cho từng khách hàng nhưng rất nhiều khách hàng cá nhân đóng cước không nhận hóa đơn.

Để tiết kiệm số lượng hóa đơn xuất ra và giảm chi phí cho doanh nghiệp, ông Cường muốn hỏi, nếu công ty ông tập hợp số khách hàng để xuất chung trên một hóa đơn được không? Đối với khách hàng nợ tiền và không thu được thì công ty ông có phải xuất hóa đơn không? Nếu xuất rồi thì có phải ghi nhận doanh thu không?

Ngoài ra, theo khoản 3, Điều 18, Thông tư 153/2010/TT-BTC quy định trường hợp người bán, người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Công ty ông xuất hóa đơn cho khách hàng doanh nghiệp nhưng sai tiền thuế và doanh thu nhưng ông không thấy mẫu hóa đơn điều chỉnh sai sót, vậy mẫu hóa đơn này được viết như thế nào cho đúng với quy định của cơ quan Thuế?

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế hướng dẫn việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật như sau:

Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hoá đơn

Tại khoản 2 (a,b), Điều 14, Thông tư 153/2010/TT-BTC về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hướng dẫn như sau:

Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

Ngày lập hoá đơn đối với hoạt động cung cấp điện sinh họat, nước sinh hoạt, dịch vụ viễn thông, dịch vụ truyền hình thực hiện chậm nhất không quá 7 ngày kế tiếp kể từ ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ hoặc ngày kết thúc kỳ quy ước đối với việc cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hoá, dịch vụ cung cấp căn cứ thoả thuận giữa đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình với người mua.

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế".

Tại điểm 2, mục I, Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về thuế giá trị gia tăng (GTGT) hướng dẫn về thời điểm xác định thuế GTGT như sau:

Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Theo Khoản 3 Điều 18 Thông tư 153/2010/TT-BTC nêu trên, trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điều chỉnh sai sót.

Hoá đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).

 

Tác giả bài viết: Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân
 (Báo Chính Phủ)                                      
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh