Mức chênh lệch quá lớn giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ trong nước từ 125.000 đồng - 160.000 đồng/bình 12 kg là phi lý, khó chấp nhận.
Hiện mỗi bình gas tại cửa hàng bán lẻ trên thị trường có giá từ 440.000 - 480.000 đồng/bình 12kg. Tính đến nay thì giá 1 bình gas 12 kg đã cao hơn 72.000- 74.500 đồng/bình (tùy hãng) so với giá cuối năm 2011, tức là tăng hơn 40,2% so với cách đây đúng 1 năm và hơn 20% so với cuối năm 2011.
Gas đang bị tăng giá vô tội vạ (Ảnh minh họa).
Các cú tăng giá gas liên tiếp trong năm 2011 cộng với 3 lần liên tiếp trong 2 tháng đầu năm 2012 đã đẩy giá gas tại Việt Nam lên cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Mức tăng phi lý
Theo một nhân viên bán hàng của Petrolimex thì giá thành của gas gồm giá nhập khẩu (NK), thuế NK cộng với cước vận tải, chi phí rồi ra giá bán lẻ. Phó TGĐ một Cty CP gas có thị phần lớn cho biết, trên thực tế các hãng chỉ có thể đảm bảo quản lý được giá gas trong hệ thống phân phối độc quyền là bán đúng giá niêm yết đến tay NTD. Còn với các đại lý bán lẻ không trong hệ thống (lấy hàng của các Cty đầu mối rồi phân phối ra thị trường) thì giá bán là giá bán buôn, từ đây các đại lý bán đến NTD giá nào thì DN... không biết và DN đầu mối cũng đã hết trách nhiệm.
Theo giới chuyên môn, mức chênh lệch quá lớn giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ trong nước từ 125.000 đồng - 160.000 đồng/bình 12 kg là phi lý, khó chấp nhận. Cách tính chi phí kinh doanh quá cao, không hợp lý cũng như khâu trung gian được hưởng lợi lớn gây thiệt hại cho NTD. Đúng ra giới kinh doanh chỉ nên chia sẻ phần lợi nhuận khoảng 50.000 đồng/bình 12 kg, còn cả trăm ngàn đồng chênh lệch nên trả lại cho NTD mới hợp lý.
Giá gas đang bị lũng đoạn?
Theo quy định hiện hành thì gas là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá. Theo đó DN chỉ cần đăng ký giá với cơ quan quản lý nhà nước là Sở Tài chính tại địa phương đó. Thế nhưng trên thực tế, việc đăng ký giá của các DN đầu mối nhiều khi chỉ là hình thức, thậm chí nhiều DN chỉ đăng ký cho có hoặc chậm đăng ký, rồi hợp thức hóa bằng nhiều cách, nên giá bán gas đến NTD bị nâng lên vô tội vạ.
Lại có một thực tế khác là thời gian qua, do cạnh tranh để giành thị phần, nhiều DN đầu mối đã không ngần ngại chiết khấu cho đại lý bán lẻ quá cao, đang bị xem là một nguyên nhân đẩy giá gas lên cao.
Trả lời câu hỏi liệu có sự “bắt tay” nhau tăng giá gas của các đại lý, ông Nguyễn Sĩ Thắng- Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam- cho rằng: Các DN đầu mối được phép định giá, đăng ký giá và chịu trách nhiệm về mức giá đó. Hiệp hội có trách nhiệm giám sát. Khi việc giám sát kiểm tra phát hiện những hợp lý hay không hợp lý sẽ yêu cầu hội viên xem lại. Về việc có mức giá chênh lệch giữa các DN đầu mối và các đại lý bán lẻ, theo ông, các đại lý bán cao hơn giá DN đầu mối thì phải tự chịu trách nhiệm và đã có quy định về xử phạt. Trong hợp đồng đại lý cũng quy định: đại lý nếu không chấp hành quy định của DN đầu mối thì có thể bị đình chỉ hoặc rút giấy phép.
Chờ lập lại trật tự
Trước hiện tượng tăng giá bất thường như vừa qua, theo đại diện Bộ Công Thương, các DN và Hiệp hội Gas giải thích nguyên nhân do giá thế giới tăng. Vấn đề này đang được Bộ Tài chính thanh, kiểm tra vì gas là mặt hàng thuộc diện phải đăng ký, kê khai giá với các Sở Công thương và Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính. Còn Bộ Công Thương sẽ xem xét những vấn đề liên quan đến hệ thống phân phối. Trên cơ sở này, Bộ Tài chính sẽ giám sát việc hình thành giá gas như các chi phí nhập khẩu, hao hụt, chi phí vận chuyển... Nếu việc tăng giá bất hợp lý, Bộ Tài chính sẽ xử lý về vi phạm lĩnh vực giá, Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương có thể xử lý về hành vi găm hàng, đầu cơ...
“Thanh tra Tài chính và Cục Quản lý giá, các Sở Tài chính đang vào cuộc kiểm tra xem tăng giá như vậy có đúng không? Nếu chúng tôi nhận được kết luận về cuộc kiểm tra giá gas mà bên Bộ Tài chính chưa cung cấp thông tin, Bộ Công Thương sẽ sẵn sàng cung cấp cho báo chí kết luận giá đó”, ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ công Thương) hứa hẹn…
Ngọc Lành (NB&CL)
(Congannghean.vn) |