VPF và các vấn đề cần làm rõ
Cuộc chiến bản quyền truyền hình vẫn chưa có được kết quả cuối cùng như nhiều người mong đợi. Nhưng với những động thái từ các bên trong thời gian vừa qua thì nổi cộm lên khá nhiều vấn đề mâu thuẫn từ lời nói và việc làm của bầu Kiên. Và VPF còn nhiều vấn đề cần làm rõ.
 

Theo tiết lộ của bầu Đức ( PCT HĐQT VPF) thì tổ chức này đã đạt được thỏa thuận với VTV (bản ghi nhớ), bằng một bản hợp đồng trị giá 76 tỷ đồng trong thời gian 3 năm. Thậm chí, hôm qua (21/2) khi trao đổi với báo chí, bầu Kiên (đại diện cho VPF trong vấn đề bản quyền truyền hình) còn tiết lộ con số mà VPF đạt được trong 3 năm đầu sẽ ấn tượng hơn (từ 70 tỷ đến 100 tỷ cho 3 năm hợp đồng bản quyền truyền hình).

Giả sử VPF đã ký bản ghi nhớ với VTV thật, như lời bầu Đức. Vấn đề đầu tiên mà chúng ta cần đặt câu hỏi rằng, bầu Kiên đại diện cho VPF luôn rêu rao về luật đấu thầu công khai khi bán bản quyền truyền hình. Nhưng với việc làm, được coi là ký bản ghi nhớ như vậy đã tuân theo luật đấu thầu hay chưa ?

Rõ ràng, bầu Kiên lấy phương châm chuyển tải rộng rãi giải VĐQG tới người hâm mộ trên cả nước. Đồng thời coi VTV là đài truyền hình quốc gia có độ phủ sóng rộng khắp, để biện minh cho việc không tuân theo qui tắc đấu thầu, điều mà chính ông bầu này đã dùng để "vặn" lại bản hợp đồng giữa VFF và AVG.

VPF và các vấn đề cần làm rõ, Bóng đá, cac van de vpf, vpf, vff, avg, tranh chap ban quyen, super league, v-league, bau kien, bau duc, bong da viet nam, bong da

VPF còn nhiều khúc mắc cần phải làm rõ

Vấn đề kế tiếp đến là, VPF lấy tư cách gì để ký vào bản ghi nhớ đó ? Trong khi VFF mới là Liên Đoàn Bóng Đá quốc gia. Có nghĩa, nếu có phải ký lại hợp đồng thì VFF mới là chủ thể tham gia ký hợp đồng chứ không phải VPF.

Nói gì thì nói, dù VFF có bị dư luận và giới chuyên môn "ném đá" tơi bời đi chăng nữa. Nhưng dù lấy bất cứ lý do gì để phủ nhận hoàn toàn "quyền" của VFF là không phù hợp và bị coi là "lạm quyền".

Vấn đề thứ ba mà chúng ta rất dễ nhận thấy rằng, trong khi bản hợp đồng giữa VFF và AVG được cơ quan chức năng công nhận là hợp pháp. Vậy việc VPF đi ký bản ghi nhớ với VTV như vậy, có phải là coi thường đối tác và vi phạm các qui định về pháp luật.

Với những ông bầu quyền cao chức trọng còn ký bản ghi nhớ khi vẫn còn hợp đồng với đối tác, thì chẳng trách các cầu thủ đang ở biên chế với CLB nhưng lại đi ký hợp đồng với CLB khác. Vậy sau này, VPF lấy tư cách gì ra để răn dạy "đạo lý" cho các cầu thủ ?

Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày hôm qua, bầu Kiên (đại diện cho VPF) có khẳng định hai vấn đề trước sau như một rằng, muốn các trận đấu được truyền tải rộng rãi tới người hâm mộ trên sóng VTV và nâng cao giá trị của bản hợp đồng hiện tại.

Nhưng còn yếu tố thời gian của bản hợp đồng thì ông bầu này hoàn toàn không nhắc tới. Trong khi, ai cũng biết vấn đề "bản quyền truyền hình" được các nước trên thế giới đại đa số chỉ bán từ 2 đến 5 năm. Sau đó lại tiến hành đàm phán lại, hoặc công khai bán cho các đối tác khác.

Liệu bản hợp đồng tới đây (nếu như có đàm phán lại hoặc bán cho đối tác khác) thì thời gian sẽ là bao nhiêu năm ?

Có rất nhiều vấn đề mà VPF cần làm rõ trước dư luận, chứ không đơn thuần chỉ là việc rao giảng về số tiền 70 tỷ đến 100 tỷ đồng.

Phạm Văn Mạnh (24h.com.vn)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh