Sau khá nhiều biến động vào cuối năm 2011, đến đầu năm 2012, gas trở thành mặt hàng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Cũng như xăng dầu, mặt hàng này liên quan trực tiếp đến đời sống bà con, nhất là các bà nội trợ.
Theo đó, chỉ trong 2 tháng đầu năm, mặt hàng gas có tới 3 lần tăng giá. Lần tăng giá gần đây nhất là ngày 1/2, mỗi bình gas 12kg đã tăng tới 42.000 đồng.
Trước đó, vào tháng 1, giá gas đã tăng 2 lần, với tổng mức tăng giá 32.000 đồng/bình 12kg. Cụ thể, vào ngày 1/1, giá gas đã tăng thêm 24.000 đồng/bình. Tiếp đến, ngày 5/1, giá bán lẻ của nhiên liệu này lại được điều chỉnh tăng lên 8.000 đồng/bình.
Như vậy, chỉ chưa đầy 2 tháng, giá gas đã tăng tới 74.000 đồng/bình 12kg. Các đợt tăng giá gas trong năm 2011 cộng với 3 lần liên tiếp trong 2 tháng đầu năm 2012 đã đẩy giá gas tại Việt Nam lên cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Hiện, giá mỗi bình gas tại cửa hàng bán lẻ đã nhảy lên 440.000 đồng - 460.000 đồng/bình 12kg.
Từ đầu năm 2012 đến nay, giá gas đã tăng đến 3 lần
Chị Vinh, một chủ cửa hàng gas trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh) cho biết: Cộng các khoản thuế, phí vận chuyển, bảo hiểm… thì giá gas ở các tổng đại lý khoảng 390.000 đồng, tuy nhiên, từ tổng đại lý đến các cửa hàng bán lẻ thì giá của mặt hàng này cũng sẽ phải “đội” lên. Nếu có càng nhiều hãng kinh doanh thì mức độ cạnh tranh, rồi giá cả cũng sẽ bị biến động.
Cũng theo chị Vinh thì từ khi có thông báo về sự thay đổi giá gas, một số người tiêu dùng cũng bớt “mặn mà” hơn với mặt hàng này. “Công nhận, giá gas như vậy là khá cao so với mặt bằng chung của người dân. Làm đại lý gas cũng lo lắm, nếu người dân mà hạn chế dùng thì mình cũng lỗ. Đó là chưa kể đến, việc tăng giá sẽ là cơ hội để các mặt hàng lậu, kinh doanh gas kém chất lượng “đục nước béo cò”…”.
Giá gas “nhảy múa”, buộc người tiêu dùng phải nghĩ ra nhiều phương án để giảm nhiệt. Theo đó, nhiều bà nội trợ đã thay thế gas bằng bếp từ, hoặc phổ biến nhất là than.
Theo bà Nguyễn Thị Mai (phường Hưng Phúc, TP Vinh): Nhà bà có 5 người, khoảng 3 - 4 tháng thì hết một bình gas 12kg. Ngày trước, thỉnh thoảng, để tiết kiệm, bà chỉ dùng lò than để nấu nước sôi. Nay gas tăng chóng mặt như vậy nên bà chuyển hẳn sang than. Chỉ khi nào thật cần thiết thì mới dùng bếp gas.
Suy nghĩ của bà Mai cũng là sự lựa chọn của nhiều bà nội trợ khác. Tuy nhiên, nếu như ngày trước, than tổ ong là ưu tiên hàng đầu thì nay nhiều người lại chuyển sang dùng than đá, than củi. Nguyên nhân là do than tổ ong nguy hiểm và có mùi khá khó chịu. Mỗi kg than đá có giá 5.000 đồng.
“Tính đi tính lại, chi phí dùng than chỉ bằng 1/3 so với gas”, bà Mai cho biết thêm. Theo chị Xuân, chủ một cửa hàng than trên đường Phan Đăng Lưu, TP Vinh, từ đầu năm đến nay, việc kinh doanh của chị khá thuận lợi, người mua tăng nhanh. Có ngày chị bán được hơn 500 kg than các loại.
Tuy nhiên, than đá chỉ áp dụng được với các bà nội trợ có thời gian hoặc nhu cầu sản xuất lớn. Còn đối với đại đa số người tiêu dùng, nhất là người làm văn phòng thì than sạch lại chỉ dùng vào lúc rảnh rỗi hay cuối tuần.
Vì thế, nhiều người vẫn phải trung thành với gas nhưng họ học cách sử dụng tiết kiệm hơn với mặt hàng này như: không bật gas nhiều lần, đầu tư dây tích điện hoặc vòng kim loại để nhóm lửa khi bật bếp, vệ sinh bếp để không hoen gỉ… Nhờ đó, chi tiêu cũng được tiết kiệm dễ dàng hơn.