Gần đây, cơ quan chức năng đã thu giữ hàng lô thực phẩm chức năng (TPCN) giả hiệu Lishou (có chứa chất gây độc hại) trong hàng nghìn nhà thuốc khiến người tiêu dùng hoang mang. "Nên cảnh giác với những lời quảng cáo "quá khích” về tác dụng của bất cứ loại TPCN nào” – TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp Hội TPCN Việt Nam cảnh báo.
TPCN được quảng cáo với nhiều công dụng
Cẩn thận với TPCN giả
Hàng loạt lô hàng TPCN giả hiệu Lishou đã được bày bán công khai ở nhiều hàng thuốc trên toàn quốc và được quảng cáo tưng bừng trên Internet với công dụng "giảm cân cấp tốc từ 4-8kg trong vòng một tháng” với giá rẻ. Lishou giả có chứa hàm lượng lớn hoạt chất sibutramine – chất đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng. Theo TS Nguyễn Hùng Long - Cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), loại sản phẩm này làm tăng nhịp tim, gây rối loạn nhịp tim. Thực tế, Cty CP Thiết bị y tế Phú Hải – cty được phép phân phối độc quyền sản phẩm Lishou tại thị trường Việt Nam đã ngừng phân phối sản phẩm này nên toàn bộ sản phẩm hiệu Lishou hiện đang lưu hành trên thị trường đều là giả.
TS Trần Đáng cho biết, hiện Việt Nam đang có 1600 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh TPCN với hơn 3700 loại sản phẩm. Nếu như 5 năm trước chủ yếu là TPCN nhập khẩu thì hiện nay cán cân lại nghiêng về các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam với 56% và chỉ có 44% nhập khẩu. Những sản phẩm này đều được Cục ATVSTP cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Tuy nhiên, do lợi nhuận lớn nên càng ngày càng xuất hiện nhiều TPCN giả, nhái. Ngoài ra còn hàng nghìn các sản phẩm xách tay không rõ nguồn gốc đang được quảng cáo tràn lan trên mạng hoặc phân phối lén lút "qua tay” theo kinh nghiệm "truyền miệng”.
"TPCN không phải là loại thực phẩm ăn vào sẽ bổ "quanh đâu đấy” mà cần phải hiểu và dùng đúng cách. Ngoài ra, TPCN giả với nhiều hoạt chất độc hại với mục đích tạo tác dụng "cấp tốc”, nhanh sẽ gây dị ứng, rối loạn hệ tiêu hóa hay tim mạch, gây hiệu quả nghiêm trọng đến sức khỏe”, TS Trần Đáng cho biết.
TPCN không phải là thuốc, không có khả năng chữa bệnh, càng không chữa được bệnh hiểm nghèo như ung thư. Vì thế, người dân không nên tin lời quảng cáo về các "thần dược” như TPCN chữa được bách bệnh, kể cả bệnh ung thư.
Cần hiểu đúng về TPCN
Theo Giáo sư Hoàng Tích Huyền - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý – ĐH Y Hà Nội, sử dụng TPCN là xu hướng tiêu dùng thực phẩm mới của con người hiện đại. Con người thay đổi thói quen sống, làm việc và tiêu dùng như: làm văn phòng, thức ăn tự nhiên sang sản phẩm công nghiệp (đồ ăn nhanh, đồ hộp, đồ chế biến sẵn), môi trường ô nhiễm. Những điều này khiến cho khẩu phần ăn của con người không đủ chất cho cơ thể, chất độc hại nạp vào nhiều mà chức năng thải độc của cơ thể lại yếu đi, vì thế, khả năng phòng bệnh bị yếu, dịch bệnh mãn tính không lây gia tăng. Thay vì ăn thêm thực phẩm để bổ sung các dưỡng chất "đa dạng” trong đó có cả nhiều chất độc hại, TPCN sẽ bổ sung dưỡng chất "đích” cần thiết, tăng cường chức năng hoạt động của các bộ phận trong cơ thể đang yếu, tăng cường khả năng thải loại các chất độc hại trong con người, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây nhiễm. "TPCN có tác dụng "dự phòng” chứ không "chữa” bệnh”, GS Huyền cho biết.
Tuy nhiên, theo TS Trần Đáng, vì lợi nhuận, không ít bác sĩ, dược sĩ đã "tiếp tay” thổi phồng tác dụng của TPCN, thậm chí "kê toa” vào đơn thuốc điều trị. TS Đáng cũng cho biết, cho dù TPCN có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể nhưng người tiêu dùng cũng không nên dùng vô tội vạ. Khi muốn dùng TPCN cũng cần phải đi khám sức khỏe để biết mình đang có bệnh gì, có nguy cơ gì như gầy hay béo, tiêu hóa kém hay bị mỡ máu, huyết áp cao... , từ đó yêu cầu các bác sĩ tư vấn cho mình một số loại TPCN cần thiết để nâng cao chức năng của các cơ quan hoạt động kém hoặc vi chất mình đang thiếu, lựa chọn sản phẩm phù hợp và có chứng nhận của Cục ATVSTP; dùng đúng liều hướng dẫn của nhà sản xuất; sau khi dùng một thời gian nên tái kiểm tra sức khỏe để biết TPCN đó có tác dụng tốt hay không. Và cùng lúc, chỉ nên sử dụng tối đa 3 loại TPCN.
Theo Daidoanket