Bức tượng đồng nặng 7 tấn về nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã được di dời về đặt ven sông Hương, một vị trí xứng đáng trong lòng cố đô Huế, đúng như tâm nguyện của họa sĩ, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn.
Sáng 5/4, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bảo tàng lịch sử và cách mạng đã làm lễ khánh thành giai đoạn 1 công trình di dời và lắp dựng tượng Phan Bội Châu, tác phẩm để đời của cố họa sĩ, điêu khắc tài hoa Lê Thành Nhơn (Việt kiều Australia) tại số 19 Lê Lợi, cạnh cầu Trường Tiền, thành phố Huế.
Bức tượng được đúc vào năm 1974 tại phường Đúc (TP Huế), cao 4,5 m, dày 2,5 m và rộng 3,5 m, được ghép bằng 13 mảnh đồng nặng 7 tấn. Sau khi hoàn thành, tượng được đặt trên vỉa hè phường Đúc. Năm 1988 UBND thành phố tổ chức đưa về khuôn viên nhà lưu niệm cụ Phan (119 Phan Bội Châu, TP Huế), nơi cụ đã sống 15 năm cuối đời. Tuy nhiên suốt thời gian dài bức tượng đồng lớn nhất Việt Nam về nhà chí sĩ yêu nước bị “quên” trong không gian chật hẹp này vì chưa tìm được chỗ đặt phù hợp.
Tượng cụ Phan tại vị trí mới ven sông Hương. Ảnh: Nguyễn Đông.
Sáng 25/3, Bảo tàng lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế đã di dời thành công bức tượng về địa điểm mới ven sông Hương. Tại đây, tượng được đặt lên bệ và dự kiến sẽ được lát đá với chiều cao 2,3 m, phía trên có trang trí phù điêu như ý định ban đầu của tác giả, đồng thời khắc câu thơ mang tinh thần quật khởi của Phan Bội Châu: “Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”.
Ba tác phẩm kiệt tác của họa sĩ, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn dành tặng cho Huế, gồm tượng Cô gái Việt Nam, Quan thế Âm và tượng cụ Phan Bội Châu, đã được đặt ven sông Hương như tâm nguyện của ông lúc sinh thời, tôn thêm vẻ đẹp cho Huế. Riêng tượng cụ Phan không chỉ dừng lại ở khía cạnh nghệ thuật mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam.