Dự án Cụm công nghiệp (CCN) Hưng Đông thuộc Khu công nghiệp (KCN) Hưng Đông - Thành phố Vinh được công bố tháng 9/2010, do Công ty cổ phần công trình đường sắt Việt Nam (thuộc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam) làm chủ đầu tư, với tổng diện tích quy hoạch lên đến 39,5 hecta, có tổng số vốn gần 150 tỷ đồng. Sau nhiều năm chậm tiến độ (cam kết bàn giao mặt bằng vào quý 2/2011) nay đã hoàn thiện phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, xung quanh việc đền bù đã bộc lộ dấu hiệu "có vấn đề", khiến nhiều hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng...
Nhập nhèm về mục đích sử dụng đất
Trong đơn kiến nghị của hộ ông Đặng Văn Năm, đội sản xuất số 3 - Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hưng Đông I, thuộc xóm Yên Xá, xã Hưng Đông, TP Vinh gửi Báo Công an Nghệ An, phản ánh: Năm 2001, gia đình nhận trực tiếp sử dụng thửa đất 262, vùng Ao Hộ, thuộc đội 3, với tổng diện tích 6.221,9m2, nhưng chỉ 3.300m2 là được giao nhận khoán, phần diện tích còn lại (2.921,9m2) được gia đình khai hoang, lâu nay sử dụng cho việc thả cá, nuôi vịt và nộp sản lượng cho Hội Cựu chiến binh (được ông Nguyễn Tuân - Chi hội trưởng CCB xác nhận).
Do mảnh đất này nằm trong diện quy hoạch giải phóng để xây dựng KCN Hưng Đông, phần đất chưa được giao khoán, gia đình ông chỉ được hỗ trợ phần hoa lợi trên mặt nước và không được đền bù. Trong khi đó, một số hộ khác (cụ thể là gia đình ông Nguyễn Ngọc Bình và bà Trần Thị Thu) có hiện trạng đất tương tự lại được nhận đền bù; nhiều hộ dân dù không có đất canh tác nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền... kèm theo đó là những khuất tất của một số cán bộ xóm, xã.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, thì tại "Sổ theo dõi nhận khoán đất sản xuất nông nghiệp" từ năm 1998 có ghi rõ số thửa đất này và được các xã viên, Hội CCB thống nhất bằng văn bản. Còn việc mảnh đất trên ghi thuộc quyền sử dụng của ông Bình và bà Thu đó chỉ là vỏ bọc phục vụ cho lợi ích sau này, trên thực tế sau khi nhận được số tiền đó sẽ thuộc quyền quản lý của đội.
Không chỉ trường hợp ở thửa đất 262 mà qua kiến nghị của các hộ dân, tại HTX Hưng Đông 1 có nhiều hộ khác lâu nay không có đất sản xuất nhưng vẫn được nhận tiền đền bù với tổng giá trị của các lô đất lên đến tiền tỷ. Tại bản đồ hiện trạng sử dụng đất xã Hưng Đông cấp tháng 7/2001 do Liên đoàn Trắc địa địa hình được Sở địa chính Nghệ An kiểm tra tháng 11/2001 cho thấy: Thửa đất 262 mà ông Năm sử dụng được phân chia phù hợp, không có dấu hiệu "bất thường".
Thửa đất 262, vùng Ao Hộ đang sử dụng của gia đình ông Năm
Tuy nhiên, qua so sánh với một số hộ tại danh sách các hộ nhận tiền bồi thường có một số hộ không có đất trong bản đồ hiện trạng nhưng có trong danh sách đền bù. Trong số đó, có hộ chị Nguyễn Thị L (cháu đội trưởng sản xuất, là xã viên nơi khác), các hộ Trần Thị Thu có chồng là cán bộ mặt trận, gia đình sử dụng đất mặt nước nhưng kê khai đất nông nghiệp để đền bù và còn nhiều trường hợp khác như Nguyễn Thanh S, Nguyễn Thị T, Nguyễn Văn L...(?).
Đây đều là những hộ mới và chỉ mới được giao khoán đất trong 2 năm 2009 - 2010 (đồng thời với thời điểm lập phương án đền bù) nhưng không có một loại giấy tờ hợp pháp.
Liệu có sự "khuất tất"?
Rõ ràng những phản ánh của hộ gia đình ông Năm là có cơ sở, ông xác nhận rằng: Năm 2005 - 2006, chủ trương là toàn bộ đất hoang hóa đều phải kê khai cho Nhà nước, do đó từng gia đình phải làm đơn đối với diện tích đất của mình. Một nửa khi đó giao cho Nhà nước và một nửa còn lại một phần của gia đình đưa sang cho Chủ nhiệm HTX nhưng họ không ký, nên gia đình sử dụng từ đó đến nay.
Khi có chủ trương xây dựng KCN, năm 2010, Nhà nước thu hồi, đội thống nhất đứng tên ông Năm, sau khi "ăn chia" gia đình chỉ được trên mặt nước, toàn bộ quyền lợi như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm hay hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất... gia đình được hưởng, còn đất nông nghiệp thuộc đội.
Gia đình ông Năm trình bày với PV
Sau này, khi có chủ trương nuôi cá trên đất lúa, gia đình ông nhận nuôi nên mang đơn đến ông Nguyễn Văn Hùng (lúc ấy là Bí thư chi bộ, đội trưởng sản xuất) yêu cầu ông ký xác nhận, nhưng tất cả đều bị "ngâm". Sau này, khi phát hiện trong danh sách đền bù, ông Năm mới tá hỏa phát hiện 2 hộ của ông Nguyễn Văn Hùng (Bí thư chi bộ) và bà Nguyễn Thị Hòa (đội trưởng) đã "cấu kết" nhau để hưởng lợi từ số đất gửi và đất thừa?
Chiều ngày 3/4/2012, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Xuân Thọ - Chủ tịch UBND xã Hưng Đông. Ông Thọ cho biết, khiếu nại của ông Năm xã đã nhận được và đã giao cho Đội sản xuất tổ chức họp dân, kiểm tra báo cáo xã. Đồng thời tiến hành hòa giải, sau đó xã có thông báo đình chỉ chưa chi trả cho các hộ khi đất đang "có vấn đề".
Ông Thọ cho rằng, Hưng Đông là địa phương trong những năm gần đây có số diện tích đất bị Nhà nước thu hồi để xây dựng nhiều công trình, dự án là rất lớn nhưng chưa để xảy ra trường hợp kiện cáo nào. Để xảy ra tình trạng này là do đất nông nghiệp ở Hưng Đông sau khi chuyển đổi công khai chưa được cấp bìa, vào thời điểm chủ trương thực hiện "dồn điền đổi thửa" năm 2002 không được đo đạc lại nên quá trình quản lý còn nhiều vướng mắc và không tránh khỏi những bất cập.
Đối với trường hợp ông Năm, quan điểm của xã là sẽ giải quyết công bằng. Ngay trong tuần này, xã sẽ thành lập ban giải quyết đơn thư, khiếu nại. Chờ lúc nào có kết quả cụ thể xã sẽ xin ý kiến của thành phố để tiếp tục giải quyết.
Thiết nghĩ, để bảo đảm quyền lợi cho người dân, đề nghị chính quyền xã Hưng Đông và các ngành liên quan sớm vào cuộc xác minh, kiểm tra để có kết quả cụ thể, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến ANTT ở địa phương.