Chính quan chức và học giả Trung Quốc cũng không nêu được bằng chứng cụ thể đối với yêu sách đường 9 đoạn mà nước này áp lên biển Đông.
Đó là nội dung trong công điện của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh gửi về Washington ngày 9.9.2008 do WikiLeaks vừa tiết lộ. Đài ABS-CBN (Philippines) ngày 20.4 dẫn lại bức điện cho hay một tham tán chính trị của Sứ quán Mỹ đã có nhiều cuộc thảo luận với giới chức Vụ Luật pháp và Công ước biển (DTLO) thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng như một số học giả nước này về tranh chấp trên biển Đông. Trong đó, phía Trung Quốc rất hùng hồn tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi có từ lịch sử”, nhưng khi được hỏi về bằng chứng và cơ sở lịch sử, pháp lý thì tất cả đều “ú ớ”.
Thời gian qua, Trung Quốc gây tranh cãi và phản đối dữ dội từ nhiều phía với bản đồ 9 đoạn ôm gần trọn biển Đông và có nhiều động thái tăng cường tuyên truyền cho yêu sách phi lý này. Đường lưỡi bò không những bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, mà còn vi phạm khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác trong khu vực.
|
Theo bức công điện, khi trao đổi với tham tán chính trị nói trên của Mỹ, quan chức tên Văn Cường thuộc DTLO nói: “Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa - NV) và các vùng biển lân cận”. Tuy nhiên, người này thừa nhận rằng đường lưỡi bò là quy định biên giới biển do Trung Quốc tạo ra, dựa vào những phản ánh lịch sử, chứ không căn cứ theo Công ước LHQ về luật Biển
(UNCLOS). Ngoài ra, lời nói của viên chức Trung Quốc cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Một mặt, ông Văn Cường thừa nhận Bắc Kinh đã ký UNCLOS nên “chắc chắn sẽ yêu cầu” quyền lợi trên biển Đông thông qua công ước này. Thế nhưng, mặt khác, ông ta lại khẳng định Bắc Kinh sẽ không chấp nhận xử lý tranh chấp theo quy trình của công ước. Lý do đưa ra là “tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đã có từ rất lâu và UNCLOS chẳng thể làm rõ mọi vấn đề”. Tuy nhiên, Văn Cường không thể chỉ ra cụ thể các “phản ánh lịch sử” về tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Trong một cuộc nói chuyện tương tự, một học giả họ Dương thuộc Đại học Bắc Kinh cũng không thể trả lời thuyết phục về cơ sở lịch sử của đường lưỡi bò. Ông ta chỉ nói chung chung rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông xuất phát từ rất lâu, “trước khi các quốc gia trong khu vực được hình thành”. Thế nhưng, khi tham tán Mỹ yêu cầu chỉ ra một tài liệu cụ thể chứng minh cho điều đó thì học giả họ Dương lại viện đến Sách trắng do Bộ Ngoại giao Trung Quốc về biển Đông công bố hồi năm 2000. Tuy nhiên, trong bức điện, giới chức Mỹ chỉ rõ rằng bản thân Sách trắng nói trên cũng chỉ có một ý nhỏ nhắc đến lịch sử của đường lưỡi bò, dựa theo thông tin mơ hồ từ một số ngư dân ở đảo Hải Nam. Đến nay, chưa có thông tin về phản ứng của Trung Quốc đối với các nội dung trong bức điện mật do WikiLeaks tung ra.
Báo Trung Quốc cảnh báo xung đột vũ trang Ngày 21.4, tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc, đăng bài xã luận cảnh báo Mỹ về cuộc tập trận chung với Philippines đang diễn ra. Theo đó, bài xã luận cho rằng cuộc tập trận Balikatan 2012 “đã thổi bùng nguy cơ xung đột vũ trang trong tranh chấp biển Đông”. Gần đây, căng thẳng giữa Bắc Kinh với Manila đã dâng cao xung quanh bãi cạn Scarborough và cuộc tập trận Philippines - Mỹ diễn ra giữa lúc Trung Quốc liên tục điều tàu tuần tra đến khu vực trên.
Bài viết của PLA Daily còn quy kết: “Bất cứ ai cũng sớm nhìn thấy đằng sau cuộc tập trận này sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang và nguy cơ dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp biển Đông. Thông qua cuộc tập trận chung, Mỹ khiến tình hình biển Ðông thêm hỗn loạn, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của khu vực”. Ngoài ra, bài viết cũng đưa ra cảnh báo đối với kế hoạch tăng cường hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương do Washington công bố hồi cuối năm ngoái. |
Lê Loan