Nguyễn Tất Nghĩa: Toả sáng từ làng quê bình dị

Năm 2008 đất học xứ Nghệ lại được vinh danh cùng cả nước và trên thế giới bởi Nguyễn Tất Nghĩa - học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu mang về tấm huy chương vàng lần thứ 2, rồi thứ 3 cho quê hương, đất nước.

Nghĩa rất có duyên với các kỳ thi. Từ năm lớp 5 Nghĩa đã bắt đầu bước vào các phòng thi cấp huyện rồi cấp tỉnh, quốc gia. Nhà Trường cũng quen dần với việc Nghĩa cứ đi thi là đạt giải nhất, nhì. Nghĩa chưa bao giờ "thất bại". Lên cấp 3, Nghĩa vào trường Phan Bội Châu như lẽ tự nhiên phải thế. Tại ngôi trường chuyên giàu truyền thống này, mở ra nhiều cơ hội để Nghĩa thăng hoa với năng khiếu thiên phú về môn Vật lý. Trong ba năm cấp 3, Nghĩa luôn song hành cùng những cái nhất: đứng nhất lớp về môn Vật lý, kết quả học tập cao nhất, hiền nhất, ngoan nhất... Năm 2006, Nghĩa tham dự cuộc thi học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý cùng với giải nhất, Nghĩa còn là học sinh trẻ nhất được chọn đi thi học sinh giỏi toàn quốc môn Vật lý (kỳ thi này vốn dành cho học sinh lớp 12). Năm 2008 Nghĩa giành nhiều huy chương vàng nhất - 2 lần đạt huy chương vàng trong kỳ thi Olimpic Vật lý châu Á và Olimpic Vật lý quốc tế. Nghĩa trở thành 1 trong 10 học sinh giỏi Vật lý nhất thế giới.

Nghĩa chia sẻ: "học, học,... và học, em không ngừng học hỏi và chưa bao giờ đánh mất niềm đam mê với lĩnh vực mà mình yêu thích. Em luôn xác định cho mình một mục tiêu và phấn đấu hết mình vì mục tiêu đó. Điều quan trọng là không sợ khó, sợ khổ, không nản chí và không lãng phí thời gian".

Theo lẽ thường để đạt được thành tích cao như vậy, người học sinh đó được hưởng sự quan tâm, chăm sóc từ một gia đình có cuộc sống ổn định, khá giả, chỉ biết học, không phải bận tâm bởi những lo toan cuộc sống hàng ngày. Nguyễn Tất Nghĩa không như vậy. Em sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã miền núi Hồng Sơn, huyện Đô Lương. Là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố Nghĩa từng là bộ đội tình nguyện ở Lào, năm 1977 bị thương và giải ngũ về quê. Cuộc sống gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, mỗi năm chỉ làm được một vụ, không đủ nuôi 4 anh em Nghĩa đang tuổi ăn học. Vì thế, bố phải đi làm công nhân ở nhà máy cơ khí huyện Nghĩa Đàn. Khi bố về hưu mất sức thì mẹ phải đi nấu ăn thuê cho một công trường tận huyện miền núi Tương Dương... Bữa cơm gia đình Nghĩa chẳng mấy khi đủ mặt các thành viên, lúc mẹ ở nhà thì bố đi, lúc bố ở nhà thì mẹ lại lên đường... Ngày đêm Nghĩa cùng với bố mẹ, anh, chị, em lam lũ chắt chiu cho cuộc sống hàng ngày.

Năm 2007, sau khi tiễn Nghĩa lên đường đi thi Olimpic Vật lý quốc tế, mẹ Nghĩa cũng rời nhà đi làm thuê. Lúc Nghĩa đạt Huy chương Vàng và được mời tham gia chương trình "Người đương thời" trên VTV3 về tấm gương vượt khó học giỏi thì mẹ Nghĩa vẫn đang cặm cụi trên đồng ruộng. Mọi người dân quê Nghĩa cũng đâu biết rằng người con lớn lên từ bờ ruộng, từ củ sắn, củ khoai, từ bữa rau, bữa cháo, từ ý chí và nghị lực đã làm bừng sáng mảnh đất nghèo hiếu học, đã trở thành Người đương thời.

Bây giờ, những câu chuyện về thời thơ ấu của Nghĩa vẫn thường xuất hiện khi mọi người quây quần bên ấm nước chè xanh sau một ngày lao động hay trong bữa cơm của mỗi gia đình để giáo dục cháu, con. Đó là một Nghĩa thật thà, ngoan ngoãn, chịu khó, nhanh nhẹn, thông minh. Một Nghĩa dẫu được gọi là "đại gia giải thưởng", "bản lĩnh của học trò nghèo xứ Nghệ", hay người "chiến binh dũng cảm"... thì vẫn là Nghĩa "đen" của vùng quê nghèo hiếu học Hồng Sơn - Đô Lương.
Nguồn: Báo Nghệ An

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh