1. Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT và BT THPT:
-
Tổ chức thi theo cụm: Trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cho học sinh lớp 12 hoặc thí sinh tự do thi theo các cụm trường. Mỗi cụm có ít nhất 3 trường THPT (hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên), có thể thành lập Hội đồng hỗn hợp 2 trường THPT và 2 trung tâm GDTX , tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn nơi có điều kiện tốt hơn để tổ chức thi.
Mỗi cụm trường thành lập một Hội đồng coi thi. Mỗi địa điểm thi bố trí 1 phó Chủ tịch Hội đồng làm trưởng điểm thi. Trường hợp đặc biệt, những trường ở vùng xa, vùng cao, hải đảo đi lại khó khăn, không thể tổ chức thi theo cụm, hoặc chỉ tổ chức được 2 trường/1 cụm, các sở giáo dục và đào tạo báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ.
Trong mỗi Hội đồng coi thi, danh sách thí sinh được lập theo 3 ban: Ban Khoa học Tự nhiên, Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ban Cơ bản; trong từng ban, lại xếp lần lượt các Ngoại ngữ; cuối cùng tên thí sinh được xếp theo thứ tự a, b, c,..., sau đó mới xếp lần lượt vào các phòng thi. Những phòng thi cuối cùng có thể được xếp ghép các ban với nhau.
- Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thanh tra của Bộ và giám thị ngoài phòng thi; phân rõ trách nhiệm và phạm vi hoạt động của thanh tra của Bộ và giám thị ngoài phòng thi. Cụ thể: chỉ có thanh tra của Bộ làm nhiệm vụ giám sát ở hành lang và xung quanh phòng thi; Giám thị ngoài phòng thi thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công, ở khu vực bên ngoài, không nằm trong phạm vi hành lang phòng thi và hỗ trợ thanh tra khi cần thiết.
Bộ GDĐT căn cứ tình hình cụ thể, bố trí số lượng thanh tra của Bộ tại các cụm thi.
- Huy động giám thị từ trường ĐH, CĐ tham gia coi thi trong phòng thi: Bộ GD-ĐT huy động giám thị từ trường ĐH, CĐ coi thi trong phòng thi, nhất là ở những nơi không thể tổ chức thi theo cụm hoặc chỉ tổ chức cụm thi có 2 trường.
- Đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh để chấm thi: Thực hiện đổi chéo bài thi giữa các tỉnh lân cận nhau để chấm: Tỉnh A chấm bài cho tỉnh B, tỉnh B chấm bài cho tỉnh C…(những tỉnh lớn có nhiều thí sinh dự thi có thể sẽ chấm thi cho một số tỉnh nhỏ có ít thí sinh). Bộ GD- ĐT quyết định cụ thể việc đổi chéo bài thi giữa các tỉnh.
Năm học 2009 không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, BT THPT lần 2.
2. Đối với kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ
Về cơ bản công tác thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như năm 2008, có một số điểm mới sau:
- Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh (đối với các trường đóng tại các vùng dân tộc thiểu số và các trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương).
+ Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm, nhưng không quá 1,5 điểm, để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết;
+ Đối với các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao.
- Cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Đề thi được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
+ Đối với các môn: Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, đề thi mỗi môn gồm 2 phần: Phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; Phần riêng ra theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.
Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài; thí sinh nào làm cả hai phần riêng thì bài làm bị coi là phạm quy, cả 2 phần riêng đều không được chấm. Chỉ chấm điểm phần chung.
+ Đối với các môn Ngoại ngữ: đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.
- Tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng: Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng nằm trong tổng chỉ tiêu được phê duyệt. Các trường công bố công khai về chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo, địa chỉ sử dụng trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2009"; chỉ tuyển sinh đào tạo theo địachỉ sử dụng bằng hình thức xét tuyển những thí sinh đã dự thi đại học, cao đẳng theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, công bố công khai mức thu học phí hàng tháng (hoặc năm học hoặc cả khoá học) đối với khoá tuyển sinh năm 2009 trong cuốn ‘‘Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2009’’. Thông tin về loại hình trường cũng được làm rõ trong cuốn ‘‘Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2009’’.
3. Đối với kỳ thi tuyển sinh TCCN
Năm 2009, việc tuyển sinh TCCN tiếp tục thực hiện theo hình thức xét tuyển (không tổ chức thi) để tuyển sinh, trừ các ngành đào tạo năng khiếu.
Đối tượng tuyển sinh vào TCCN bao gồm: học sinh đã tốt nghiệp THPT và THCS hoặc tương đương (tùy theo đối tượng tuyển của từng trường). Ngoài ra, Bộ GDĐT khuyến khích các trường xét tuyển những thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp được vào học TCCN.
Tùy theo đối tượng tuyển sinh, đặc điểm, yêu cầu của ngành đào tạo và tình hình cụ thể của từng trường, các trường có thể lựa chọn tiêu chí xét tuyển là kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2009 của thí sinh để xét tuyển vào TCCN.