Quê tôi gọi những cánh đồng nước sâu là bàu. Thỉnh thoảng ở giữa các bàu dài hàng cây số có những vũng sâu hơn gọi là đìa… Đó là nơi tụ hội, là “thiên đường” của tôm cá…
|
Mùa nơm chỉ còn trong kí ức. Ảnh minh họa |
Ngày còn bé, đến cữ này là cả mấy làng háo hức chờ ngày hội nơm đồng. Lúa chiêm gặt xong, rạ chiêm cắt xong, tôm cá đầy đồng. Trắm, chép, mè, rô, tràu, diếc quẫy tung nước... Ai cũng thèm, nhưng đành phải đợi chính hội. Ngày đó, nghiêm lắm, không ai dám vác nơm, vác chụm (vó) đi ăn mảnh đâu. Hơn nữa, mấy ông dân quân vác những khẩu CKC dài ngoẵng đi tuần ngày đêm, nên ai cũng ngại...
Chính hội, mấy làng đều được thông báo trước nên tụ tập hai bên bờ bàu dài cả cây số. Nơm vác trên vai, bừng bừng khí thế cứ như sắp vào trận... Trước đó, từ vài ba tháng trước, nhà nào cũng chuẩn bị làm nơm. Thôi thì đủ các loại, nơm to, nơm nhỡ, nơm bé…
Răng nơm được chẻ từ những thanh tre cật già trước đó đã được ngâm kỹ dưới ao bùn… Vót răng nơm cũng đòi hỏi sự cẩn thận tỉ mỉ. Sáu, bảy chục chiếc răng nơm, cái nào cái nấy đều tăm tắp. Tiếp đến là công đoạn kết nơm, rồi nức “trốc” nơm, tức là phần trên cùng của nơm. Cái nơm đẹp cũng là do những khâu này. Kết nơm phải tròn, khoảng cách giữa các răng nơm phải đều tăm tắp. Nức “trốc” nơm là câu kỳ nhất. Bởi đấy vừa là chỗ tay cầm, cần mềm mại, chắc chắn, vừa là nơi thể hiện sự khéo léo làm nên “đẳng cấp” của người làm nơm. Loại dây dung để kết nơm và quấn “trốc” nơm đều được dung từ những sợi mây chuốt kỹ….
Ngày chính hội. Thông thường được chọn vào tầm 7-8 giời sáng…. Khi ba phát CKC hiệu lệnh vang lên, già trẻ, lớn bé hò nhau nhảy xuống nước nơm lấy nơm để... Ngày đó, cá nhiều lắm, có người nơm được những con trắm gần chục ký. To đến nỗi cái nơm đường kính cả mét mà chỉ úp được hai phần ba con cá... Bọn trẻ chúng tôi thì chỉ vác được những chiếc nơm bé tẹo, nơm loăng quăng sát bờ, thỉnh thoảng úp được con diếc, con rô...
Hàng trăm người cứ thi nhau úp nơm liên tục suốt dọc cả cái bàu dài gần cây số. Úp cho đến khi nước đục ngầu, tôm tép, cá con, thậm chí cá lớn phải ngoi đầu lên để thở... Tan cuộc, có người úp được cả vài chục ký cá. Tất cả đều thấm mệt, nhưng ai cũng vui, hể hả vì ít nhiều cũng được ăn cá đồng tươi ngon trong mấy ngày liền....
Sau ngày chính hội, bàu tháo khoán, ai muốn bắt cá thì tự do....
Bây giờ bàu không còn, cá cũng không còn... Chỉ còn ký ức - ký ức của lớp người sắp già như tôi khi nhớ về quê hương.......
Hà Nội, 6/2012
Văn Song-Báo Công An Nghệ An