Thực trạng và những hệ lụy
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2011, trên địa bàn tỉnh ta có 224 lao động người nước ngoài được quản lý. Trong đó, lao động đến từ Châu Âu là 16 người, Châu Á 192 người, các nước khác là 16 người.
Số lao động này đang cư trú và làm việc tại 38 doanh nghiệp, trong đó lao động làm việc tại các Khu Công nghiệp (KCN) là 9, ngoài KCN 29; số đông là LĐ Trung Quốc (128 người), Hàn Quốc (30 người), Ấn Độ (34 người). Trong số đó, có 201 lao động nước ngoài (LĐNN) được cấp phép, số người không thuộc diện cấp phép 13, số người chưa được cấp phép 10, số người được gia hạn cấp giấy phép 4 và số người nước ngoài đã thu hồi, hết thời hạn, chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đã nộp lại giấy phép là 14 (thu hồi: 2, hết thời hạn: 7, chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn: 5).
Số lao động nước ngoài chưa được cấp phép chủ yếu ở Công ty TNHH luyện gang Kế Đạt (KCN Hoàng Mai) 6 người, Công ty TNHH Matrix Việt Nam (KCN Bắc Vinh) 1 người và Khu kinh tế Đông Nam 3 người.
Hai công nhân vận hành máy người Trung Quốc của Công ty Đức Chính - Quỳ Hợp
Trong số lao động nước ngoài đã được cấp phép, số lao động có chứng chỉ chuyên môn từ cao đẳng trở lên là 207 người (chiếm 92,4%), số người nước ngoài có kinh nghiệm làm việc, nghệ nhân, nghề truyền thống chiếm trên 7,1%. Hình thức làm việc theo hợp đồng lao động và hợp đồng chuyển giao kỹ thuật chiếm trên 77%, lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp chiếm 22,3% và lao động làm việc cho tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam chiếm trên 0,87%.
Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, tại nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài đang tồn tại một thực tế: Đa số lao động phổ thông trái phép hiện đang làm những công việc giản đơn hoặc những loại việc mà lao động trong tỉnh hoàn toàn có thể đảm đương được, như thợ nề, phụ hồ, tổng hợp, tạp vụ, quản lý máy thiết bị, gia công các sản phẩm đơn giản..., đây là những lĩnh vực không cần thiết "đòi hỏi" cao ở người lao động. Đơn cử như công nhân lao động tại các nhà máy sản xuất bật lửa gas Trung Lai, đá vôi Yabasi, các công ty xây dựng...
Ông Nguyễn Đăng Dương - Trưởng phòng lao động, việc làm, tiền công, tiền lương và BHXH - Sở LĐ-TB&XH cho biết: Lao động được cấp phép, chủ yếu là lãnh đạo (từ tổng giám đốc, phó tổng giám đốc đến giám đốc, phó giám đốc, chuyên gia), công nhân kỹ thuật, kỹ thuật quản lý, vận hành máy mà lao động trong tỉnh không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động cả về khối lượng công việc cũng như tính chất chuyên môn... Do vậy, nhiều lao động có kỹ thuật trong tỉnh không có cơ hội được tuyển dụng.
Khu mỏ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có lao động nước ngoài làm việc
Qua thanh kiểm tra ở một số công ty, doanh nghiệp cho thấy, việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động: Tuyển dụng, sử dụng lao động và an toàn vệ sinh lao động còn bị xem nhẹ. Việc thông báo tuyển dụng lao động ở các cơ quan thông tin truyền thông ở Trung ương và địa phương theo quy định chưa được thực hiện nghiêm túc.
Phần đông doanh nghiệp, công ty sử dụng lao động nước ngoài vẫn còn vi phạm về các chính sách, quyền lợi đối với người lao động, vì thế tình trạng các cuộc đình công, biểu tình còn xảy ra ở một số doanh nghiệp; đó là chưa nói đến những phát sinh thường trực ở các địa phương khi tại các nơi lao động nước ngoài đến làm việc, kéo theo nhiều hệ lụy trong việc quản lý hoạt động tạm trú, tạm vắng, lưu trú của lao động nước ngoài như các dịch vụ nhà nghỉ, cafe, karaoke...; hay đó là sự bất đồng trong ngôn ngữ giao tiếp, cơ chế pháp luật ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ không giống nhau.
Tất cả những hệ lụy đó đều làm ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự, môi trường đầu tư cũng như chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cả về trước mắt lẫn lâu dài.
Tác giả bài viết: Xuân Thống
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An