Nâng cao sức chiến đấu trong TCCS Đảng

Trong bốn nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên được BCH Trung ương Đảng xác định là nhóm giải pháp số 1. Điều này cho thấy, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng TCCS Đảng trong sạch vững mạnh cũng như xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong nội bộ.

 

TCCS Đảng yếu kém vì nể nang trong giám sát

 

Năm 2008, 2009, dư luận nhân dân rất bất bình trước những hành vi và sai phạm của người cán bộ đứng đầu UBND xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc. Nhiều đơn thư khiếu kiện vượt cấp… Nhiều cuộc họp của ban thường vụ đảng ủy được tổ chức vội vàng… nhưng không giải quyết được vấn đề. Từ một xã có bề dày truyền thống đoàn kết trong kháng chiến, đùm bọc nhân nghĩa trong thời bình, lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân giảm sút nghiêm trọng đối với cán bộ chủ chốt của xã. Nguyên nhân chỉ vì sự vụ lợi của cá nhân ông chủ tịch UBND xã.

 

Nội bộ mâu thuẫn, các phong trào đình trệ, đến bây giờ, sau Đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 – 2015, kiện toàn lại tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, bài học từ một nhiệm kỳ mà dấu ấn chỉ là đơn thư, khiếu kiện vượt cấp vẫn còn hiện hữu rất rõ trong mỗi cán bộ, đảng viên nơi đây.

 

Trong khi ông chủ tịch tự tung tự tác vun vén lợi ích cá nhân, có nhiều hành vi, lối sống không lành mạnh… cấp ủy chi bộ UBND xã vẫn không có một giải pháp nào để hãm phanh một cán bộ, đảng viên đang tụt dốc. Cá nhân ông bí thư đảng ủy xã cũng như tập thể cán bộ và đảng viên đảng ủy, UBND Nghi Thịnh đều biết rất rõ những việc làm sai trái của đảng viên trong chi bộ mình nhưng không đưa ra được một quyết định xử lý nghiêm túc. Chính vì vậy, kiểm điểm xong rồi đâu vẫn hoàn đấy. Chỉ đến khi người dân bức xúc, khiếu  kiện vượt cấp lên huyện, lên tỉnh, vụ việc mới được thanh tra, xử lý.

 

Với vị trí là bí thư đảng ủy, phó bí thư chi bộ, ông Trần Bá Đa tự nhận là vẫn còn nể nang trong việc giám sát, xử lý đối với đảng viên, đặc biệt khi đảng viên vi phạm là cán bộ đứng đầu chính quyền.

 

Cũng vì thiếu sự giám sát, buông lỏng quản lý, xử lý không nghiêm đối với cán bộ đảng viên, đặc biệt là đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo, mà tại xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, suốt gần 10 năm, ông chủ tịch đã tự do làm mưa làm gió, chiếm dụng tiền đền bù giải phóng mặt bằng của 12 hộ dân xóm Đông Mỹ. 160 triệu  đồng của năm 2003 không nộp vào ngân sách còn hồ sơ mua đất của các hộ dân nằm im lìm trong tủ địa chính. Mọi việc chỉ thật sự sáng tỏ khi đại diện các hộ gia đình quá bất bình đã làm đơn phản ánh. Sau gần 10 năm,  ông chủ tịch xã cuối cùng đã bị truy tố. Điều đáng nói ở đây không chỉ dừng lại ở những sai phạm của cá nhân ông chủ tịch mà là sự buông lỏng quản lý, giám sát, kiểm tra của tập thể cán bộ đảng viên trong chi bộ.

 

Rút kinh nghiệm từ những vụ việc sai phạm, cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị truy tố, giải pháp quan trọng hiện nay mà đảng ủy xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc cũng như Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa tập trung thực hiện đó là bổ sung, cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của từng chức danh trong đảng ủy, UBND và các đoàn thể. Sự phân định rõ ràng này giúp cho việc giám sát, quản lý, đánh giá cán bộ, đảng viên được dễ dàng hơn.

 

Cần nâng cao sức chiến đấu trong  TCCS Đảng

 

Từ câu chuyện cũ và mới ở hai đảng bộ xã cũng như rất nhiều vụ việc tiêu cực bị phanh phui đều có một mẫu số chung: đó là nhờ sự tố giác, phản ánh, đơn thư của quần chúng nhân dân. Còn cán bộ, đảng viên, những người hàng ngày cùng làm việc, cùng gặp gỡ lại dường như rất xa lạ, bàng quan với những việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên trong chi bộ của mình. Chính vì vậy, những vi phạm, biểu hiện tha hóa về đạo đức, tư cách, lối sống, tham nhũng, quan liêu… không được chi bộ kiểm điểm, đấu tranh ngay từ đầu, thậm chí là dấu diếm, bao che  vì nể nang, đụng chạm. Nhất là khi người vi phạm là người giữ chức vụ cao, là lãnh đạo, chỉ huy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Điều đó cho thấy, sức chiến đấu của chi bộ không mạnh, công tác quản lý của chi bộ yếu kém, không quản lý đầy đủ được đảng viên ngay trong chi bộ mình. Trung ương Đảng đã kiểm điểm: “Nhiều tổ chức cơ sở đảng bị tê liệt, thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực lãnh đạo và chỉ đạo để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh”.

 

Nhóm giải pháp đầu tiên mà Nghị quyết Trung ương 4 nhấn mạnh là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên, xác định người đứng đầu phải được kiểm điểm đầu tiên. Bởi trong thực tế sinh hoạt của các chi bộ cơ sở, chất lượng, hiệu quả của việc tự phê bình và phê bình liên quan mật thiết đến tinh thần cầu thị của người đứng đầu.

 

Một đảng bộ mạnh cần có những chi bộ mạnh, và chi bộ mạnh rất cần những đảng viên gương mẫu. Gương mẫu ở đây không có nghĩa là giữ gìn bản thân mình trong sạch mà còn phải đầy tinh thần trách nhiệm, có đủ dũng khí để xây dựng chi bộ vững mạnh. Tự phê bình và phê bình được Đảng xác định là thang thuốc quý nhưng cách thức tiến hành như thế nào cho đúng và có hiệu quả thì các tổ chức cơ sở đảng vẫn còn nhiều lúng túng.

 

Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải đặt trong mối quan hệ tổng thể tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và từng cương vị, chức trách của mỗi cá nhân. Nghĩa là một chi bộ có sức chiến đấu tốt không có nghĩa là nhân cơ hội để đấu đá, chĩa mũi nhọn vào cán bộ, đảng viên mà việc góp ý, kiểm điểm phải trên tinh thần xây dựng, gắn với trách nhiệm, kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân trong chi bộ. Xuất phát từ quan điểm như vậy thì việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) mới đem lại hiệu quả thực sự.

 

(Hoa Mơ) - NTV

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh