Theo khảo sát, hiện nay, các bệnh viện lớn ở Việt Nam đang phải gồng mình trước hiện trạng quá tải tới 300% so với quy mô thiết kế ban đầu. Ứng dụng khám chữa bệnh từ xa (telemedicine) sẽ giúp ngành y tế khắc phục dần tình trạng quá tải bệnh viện.
Y tế gồng mình vì quá tải
Y tế là lĩnh vực luôn cần được ưu tiên hàng đầu tại bất kỳ quốc gia nào. Tại Việt Nam, chi phí cho ngành Y tế hàng năm chiếm khoảng 6,6% GDP của đất nước. Với hơn 1.000 bệnh viện các tuyến, hơn 10.000 trạm Y tế xã phường, khoảng 35.000 cơ sở y tế tư nhân, hàng chục cơ sở nghiên cứu và tổng số 301.000 cán bộ công nhân viên đang làm việc trong Ngành…
Thế nhưng, theo khảo sát, hiện nay, các bệnh viện lớn ở Việt Nam đang phải gồng mình trước hiện trạng quá tải tới 300% so với quy mô thiết kế ban đầu. Một trong những nguyên nhân chính là do 80% nhu cầu khám chữa bệnh tập trung tại địa phương, trong khi 80% nguồn nhân lực, trang thiết bị hiện đại tập trung tại Trung ương, dẫn đến tình trạng lũ lượt chuyển tuyến trên để khám chữa bệnh.
Sự quá tải dẫn tới hệ lụy là hàng năm, có tới hơn nửa triệu bệnh nhân trong tổng số 7,5 triệu bệnh nhân nhập viện bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Đấy là còn chưa tính hết các hệ luỵ đi cùng. Và với sự phát triển của CNTT - viễn thông hiện đại, một số bệnh viện lớn tại Việt Nam đã từng bước triển khai ứng dụng telemedicine để nhắm tới mục tiêu giảm tải.
Người bệnh chỉ cần đến các điểm khám chữa bệnh ở địa phương có kết nối ứng dụng hội nghị truyền hình với các bác sĩ ở bệnh viện trung ương là sẽ được chẩn đoán và đưa ra những đơn thuốc hiệu quả, không cần thiết phải tốn kém chi phí đi lại, và không phải chịu cảnh chen lấn, xếp hàng tại các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng mới chỉ dừng ở phạm vi đơn lẻ từng đơn vị. Việc triển khai diện rộng còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhân lực, chính sách…
Bài toán khó đã có lời giải
|
Một ca chẩn bệnh từ xa giữa các bác sĩ hàng đầu các bệnh viện phía Nam nhờ cầu truyền hình mạng |
Từ lâu, ngành Y tế đã được xác định là một trong những khách hàng lớn sử dụng các dịch vụ viễn thông và CNTT của VNPT. Nhằm hỗ trợ ngành y tế ứng dụng CNTT một cách hiệu quả, từ tháng 1/2009, VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Y tế về việc đưa các ứng dụng viễn thông-CNTT vào các hoạt động tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa, cấp phép trên mạng… Ngay sau đó, VNPT đã ban hành chính sách ưu đãi một số dịch vụ cho Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; cung cấp hạ tầng mạng Internet tốc độ cao cho một số Sở Y tế, trường đại học y, bệnh viện…
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, với thoả thuận hợp tác mới được ký kết cuối tháng 8/2012 vừa rồi, chắc chắn công tác khám chữa bệnh từ xa cho bệnh nhân của ngành Y tế sẽ có thêm nhiều bước phát triển mới. Bởi, theo nội dung đã ký kết, ngay từ giờ tới năm 2013, Bộ Y tế và VNPT sẽ tiếp tục triển khai các gói cước viễn thông - công nghệ thông tin ưu đãi cho ngành Y tế.
điai
Đặc biệt, hạ tầng mạng, đường truyền cho các dự án như Tư vấn khám chữa bệnh từ xa, Bệnh án điện tử; phát triển mô hình M-health nhằm tư vấn, đặt lịch khám chữa bệnh từ xa qua đầu số 108x sẽ được triển khai mạnh cùng với việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ công tác điều hành của Bộ Y tế; triển khai các điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa cho cộng đồng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho ngành Y tế…
Đúng dịp Bộ Y tế và VNPT ký kết thoả thuận hợp tác, ngày 31/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 63/2012/NĐCP quy định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu chức của Bộ Y tế, trong đó có Cục CNTT Y tế nhằm góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT để nâng cao, bảo vệ sức khỏe nhân dân; khẳng định vai trò quan trọng của CNTT đối với ngành Y tế...
Hiền Mai-VNMedia