Thời điểm những năm 30 của thế kỷ XX, mâu thuẫn dân tộc ở nước ta đã trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, là điều kiện chín muồi cho một cuộc đấu tranh mạnh mẽ sẵn sàng nổ ra bất cứ lúc nào. Lúc này đế quốc Pháp đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chúng trút toàn bộ gánh nặng kinh tế lên đầu các nước thuộc địa. Vì vậy, chúng tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ hai để vơ vét của cải.
Chính sách khai thác thuộc địa của Pháp đã làm cho các tầng lớp giai cấp trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ bần cùng hóa không có lối thoát. Đặc biệt là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân phải “è cổ” gánh chịu sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân. Công nhân bị cúp lương, bị đánh đập, giảm lương, tăng giờ làm… còn nông dân bị đàn áp, bị tước đoạt tài sản, đất đai, sưu cao, thuế nặng…
Chính sự tàn bạo của thực dân đế quốc đã làm cho hai giai cấp công nhân và nông dân đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ xích lại gần nhau.
Trong thời điểm cam go ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), đã xác định rõ động lực chính của cuộc cách mạng lúc này là “công nông”. Đảng đã nhanh chóng thực hiện được mối liên minh công nông cùng đấu tranh.
Ở Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ, Vinh - Bến Thủy là nơi tập trung đông đúc công nhân các nhà máy: Diêm, cưa, điện, xe lửa…. Giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân lại có mối liên hệ tự nhiên, bởi đa phần công nhân có điểm xuất phát từ nông dân mà ra, và giữa hai giai cấp này có cùng mối thù chung dân tộc là bọn đế quốc thực dân và kẻ thù giai cấp là bọn phong kiến tay sai. Vì vậy, đấu tranh chống đế quốc, thực dân phong kiến là mục tiêu chung của giai cấp công nông.
Trước sự đàn áp tàn khốc của bọn thực dân đế quốc, Xứ uỷ Trung Kỳ và Tỉnh bộ lâm thời Vinh - Bến Thuỷ đã tiến hành phát động quần chúng đấu tranh nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động.
Từ sáng sớm ngày 1/5/1930, hơn 1.200 nông dân các làng Ân Hậu, Tân Hợp, Đức Hậu (huyện Nghi Lộc), Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng Thượng (phủ Hưng Nguyên)... kéo về Vinh cùng đoàn kết với công nhân Vinh - Bến Thủy đấu tranh. Khẩu hiệu đấu tranh đòi các quyền lợi về kinh tế cũng như chính trị, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.
Điển hình nhất của sự đoàn kết công nông cùng đấu tranh là vào ngày 12/9/1930, một cuộc biểu tình khổng lồ của 20.000 quần chúng nhân dân huyện Hưng Nguyên, kéo về Vinh ủng hộ công nhân Bến Thủy thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom đàn áp dã man cuộc biểu tình.
Ngày 12 tháng 9 đã đánh dấu một mốc son chói lọi đối với lịch sử dân tộc, chính quyền Xô viết đã xuất hiện đầu tiên ở đình làng Võ Liệt, xã Thanh Long, huyện Thanh Chương.
Từ tháng 9, chính quyền Cách mạng kiểu Xô viết được thiết lập khắp Nghệ Tĩnh. Tại các Làng đỏ, các Ủy ban nhân dân mang tên Xã bộ nông, Thôn bộ nông… hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thực sự là chính quyền của nhân dân, kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, đồng thời thực hiện những quyền tự do dân chủ cho nhân dân, chia lại ruộng công cho nông dân, bài trừ hủ tục, xây dựng cuộc sống mới… khiến cho quần chúng công nông hết sức phấn khởi, tin tưởng.
Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, sự đoàn kết công nông đã giành được thắng lợi bước đầu, đó là một chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết đã được thành lập.
Trước tình hình đó, đế quốc Pháp tổ chức lực lượng trở lại đàn áp. Cuộc “khủng bố trắng” tàn khốc trên quy mô lớn diễn ra từ đầu 1931. Địch bố trí thêm quân lính đóng đồn khắp Nghệ Tĩnh, các Làng đỏ bị tấn công như những mục tiêu quân sự; hàng ngàn người bị bắn tại chỗ, không cần xét xử, hàng vạn người bị bắt, hàng ngàn nóc nhà bị đốt cháy.
Nhân dân Nghệ Tĩnh đã chiến đấu anh dũng và các địa phương đã phối hợp đấu tranh, nhưng do tình hình cả nước chưa có sự phối hợp thống nhất cùng đấu tranh, trong khi so sánh lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, sự đàn áp, khủng bố tàn bạo của kẻ thù khiến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh phải lùi dần và rơi vào thoái trào.
Gần 82 năm đã trôi qua, lịch sử dân tộc đã trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, nhưng truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của các tầng lớp nông dân và công nhân một thời Xô viết Nghệ Tĩnh không bao giờ phai mờ. Bài học về sự đoàn kết công - nông trong tiến trình cách mạng Việt Nam đã được Đảng ta vận dụng triệt để, sáng tạo, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay, bài học về sự đoàn kết công nông vẫn còn nguyên giá trị.
Tác giả bài viết: Đức Thắng
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An