Tốt nghiệp đại học, tôi quyết định về Nghệ An làm việc, bố mẹ nói: "Con chắc chắn mình sẽ tự lập được ở đây chứ?". Tôi hiểu ý bố mẹ muốn nói gì. Bố là một giáo viên tiểu học, mẹ ở nhà làm ruộng, gia đình tôi không có nhiều mối quan hệ, do đó chỉ có thể tự đi bằng chính đôi chân của mình! Trước đó, cũng đã nhiều người khuyên tôi nên tìm việc ở các thành phố khác, chứ không nên về Vinh. Có lẽ, do mọi người chưa thực sự cố gắng tìm việc ở đây nên phán đoán khắt khe. Mình có kiến thức, năng lực, nhất định mình sẽ tìm được việc làm...
Tốt nghiệp tháng 7 nhưng phải đến tháng 11/2011, tôi mới bắt đầu với một công việc tạm bợ trong khi chờ đợi cơ hội tìm công việc phù hợp.
Nghệ An đang trong quá trình phát triển, sự phát triển ở đây không giống với bất kỳ ở nơi nào. Nếu như ở các nơi khác việc tìm kiếm một công việc tạm thời trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp... dễ dàng thì ở Vinh lại rất khó, do ở đây rất ít khu công nghiệp. Vinh chủ yếu phát triển các loại hình dịch vụ kinh doanh quán ăn, các dịch vụ giải trí, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng quần áo, chợ...
Một sinh viên mới ra trường không dễ gì có được công việc ổn định ngay, vì thế, trước khi chờ những cơ hội mới, chúng tôi buộc phải tìm việc gì đó để có thể tồn tại. Bạn tôi có lần nộp hồ sơ vào một nhà hàng ở Siêu thị BigC Vinh, lỡ tay ghi vào bản sơ yếu lý lịch là tốt nghiệp đại học, người quản lý chỉ cười và đưa trả lại hồ sơ, bảo về tìm việc khác. Lý do sau đó được ngầm hiểu là bán hàng thì không cần tới bằng đại học, nếu có bằng đại học rồi thì chắc chắn không làm việc lâu dài.
Ở Vinh, có khá nhiều công ty, chủ yếu là công ty gia đình, các văn phòng đại diện, hình thức sản xuất, kinh doanh chủ yếu bán hàng đa cấp, bảo hiểm, đồ gỗ, dược, truyền thông - quảng cáo... Và hầu hết người làm được trả lương theo doanh số sản phẩm, tạo một áp lực cực lớn mà không phải ai cũng vượt qua. Một điều nữa, bạn sẽ gặp ở đây cảnh tượng một ngôi nhà hay đơn giản chỉ là một căn phòng vừa là văn phòng làm việc, vừa là chỗ ở. Các công ty gia đình ít tuyển dụng người ngoài, và nếu có tuyển thì người đó phải kiêm rất nhiều việc.
Việc thi tuyển vào các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước lâu lâu may ra mới có một đợt, tôi chờ đợi cuối cùng cũng có đơn vị thông báo tuyển viên chức (với lệ phí hơn 1 triệu đồng). Thế mà xem ra, việc tổ chức lại kéo lê trong một thời gian dài: Đăng tuyển nộp hồ sơ trong vòng 1 tháng, chờ xét duyệt hồ sơ trong 1 tháng, thời gian ôn thi kéo dài 1 tháng rưỡi, và sau khi thi hơn 2 tháng vẫn chưa có kết quả...?
Trên thực tế, có nhiều công ty, tổ chức đăng thông tin tuyển dụng chỉ là hình thức để tự PR, quảng cáo cho chính đơn vị mình, hoặc họ chỉ cần tuyển một số vị trí nhưng lại đăng tuyển thêm các vị trí khác để khi có người nộp hồ sơ họ sẽ "chèo kéo" bạn vào các vị trí họ đang cần. Yêu cầu khi nộp hồ sơ cũng có điểm đáng chú ý, bạn thấy mình phù hợp với các yêu cầu đó mới nộp hồ sơ nhưng khi được gọi đến để phỏng vấn bạn sẽ gặp rất nhiều tình huống dở khóc dở cười...
Có lần, tôi nộp hồ sơ tại công ty của một tập đoàn công nghệ thông tin lớn trên thế giới, yêu cầu ngành nghề đúng như tôi được đào tạo. Sau đó, họ liên lạc với tôi và nói rõ: "Mời chị sáng mai đến công ty để phỏng vấn". Lúc đó tôi đang ở nhà và sáng hôm sau tôi chạy xe hơn 60 cây số vào Vinh chỉ để nghe ông giám đốc trẻ tuổi kể về bảng thành tích của ông ta và giới thiệu những công việc mà một sinh viên mới ra trường nên làm, như là bảo hiểm...
Ở Vinh, tôi khám phá ra là "dịch vụ môi giới" việc làm rất phát triển. Trên một số trang web tuyển dụng việc làm khu vực Nghệ An, đăng tải những thông tin công khai với nội dung như "chạy vào nhà nước", "chạy việc cho những ai có nhu cầu"... Khoan hãy bàn đến độ tin cậy của những kẻ rêu rao chạy việc kia như thế nào, mà hãy chú ý đến thái độ của người xung quanh đối với các thông tin này, không ít người thực sự quan tâm, tò mò, vì thế sau mỗi thông báo kia là chi chít những câu hỏi: "Giá cả bao nhiêu", "có chắc chắn là được không".
Khó khăn trong quá trình tìm việc là thế, nhưng khi có được công việc thì bạn đối mặt với những ràng buộc khác là rất lớn. Để hạn chế tình trạng nhảy việc của nhân viên, hầu hết các công ty đều thu giữ bằng gốc của người làm hoặc người làm phải nộp một khoản tiền nhất định mà nếu bạn bỏ việc trước thời hạn cam kết thì sẽ mất bằng gốc hoặc mất khoản tiền đã nộp đó. Sự ràng buộc này là để giảm thiểu sự "thất thoát" cho các công ty, tuy nhiên lại cũng là "rào cản" rất lớn cho những người muốn tìm một việc ưng ý hơn.
Đôi lúc tôi thấy nản lòng, nhưng rồi lại vẫn hy vọng vào một ngày không xa, khi cơ chế được đổi mới, thành phố ngày càng phát triển hơn, lúc đó tôi sẽ có cơ hội được khẳng định bản thân mình?!
Thảo Nguyên Báo Nghệ An |