Ngày 31/10/2012, tại nhà khu vườn phía sau nhà Ông Nguyễn Văn Lợi, xóm Tân Diên, xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, trong lúc đào đất làm vườn đã phát hiện một đoạn tường thành cổ. Đoạn tường thành có chiều dài gần 100m, cao 3,5m, đoạn tường dày nhất có chiều rộng là 70cm, mỏng nhất là 20cm. Thành được làm từ các khối đá trắng được đẽo thành hình chữ nhật, được xếp chồng lên nhau, mạch vữa kết dính làm từ bùn non.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Ban quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An nhận định: Khả năng đây là một đoạn tường thành phòng thủ được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1424 - 1428, khi Nghĩa Quân Lam Sơn lên khu vực này để xây dựng căn cứ địa chống quân Minh.
Tại các xã như Tân An, Tiên Kỳ và một số xã khác trong huyện Tân kỳ hiện nay vẫn còn các dấu tích tích thời Lê Lợi như: Thành Lê Lợi (thành Lơi Lơi), bãi tập Mã, kho thuốc,… liên quan đến nghĩa quân Lê Lợi. Do quá trình xói mòn hàng trăm của các dãy núi phía sau thành nên thành đã bị đất đá vùi lấp và biến dạng.
Cũng tại một ngôi đền Lầy, thuộc xã Đồng Văn người dân cũng đã phát hiện được 2 bản Sắc phong thời vua Duy Tân và Khải Định phong cho vị thần Cao Sơn - Cao Các. Việc liên tục phát hiện nhiều dấu tích liên quan đến nghĩa quân Lam Sơn, là một điều hết sức quý giá, phục vụ công tác nghiên cứu để làm sáng tỏ những giá trị lịch sử của vùng đất này.
Hiện Ban quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An đang cùng cơ quan chức năng tiếp tục khảo sát, khai quật để làm rõ vấn đề trên.
Dưới đây là một số hình ảnh bức tường thành PV ghi lại:
Đoạn tường thành đá nằm sâu trong lòng đất.
Những viên đã được người xưa đẽo vuông vắn.
Cần có một cuộc khai quật để làm rõ đoạn thành này có quy mô ra sao?
Độ dày nhất của thành là 70cm.