"DN vận tải sẽ khó khăn nếu nộp phí sử dụng đường"
Sau khi Bộ Tài chính đề xuất Dự thảo thông tư về phí sử dụng đường bộ đang được lấy ý kiến góp ý về mức thu với ôtô, xe máy, xe đạp điện bắt đầu từ ngày 1/1/2013, đại diện các Hiệp hội Vận tải cho rằng, các Bộ, ngành nên cân nhắc, xem xét hoãn thu phí bởi mức thu hàng năm là khá lớn, nếu phải nộp qua các kỳ đăng kiểm mỗi năm sẽ gây khó khăn cho chủ xe, nhất là đối với những doanh nghiệp vận tải.

Đại diện Hiệp hội Vận tải cũng đặt ra câu hỏi, các Bộ ngành cần cân nhắc có nên tận thu đối với loại phương tiện xe đạp điện không? Đó là chưa kể, phương án thu phí đối với xe máy là khó khả thi khi mà phần thu sẽ không được nhiều nếu chủ sử dụng phương tiện không tự giác đóng phí...

Sẽ đẩy phần khó cho doanh nghiệp?

Theo Dự thảo thảo thông tư về phí sử dụng đường bộ của Bộ Tài chính đề xuất, từ 1/1/2013, xe ôtô chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân sẽ phải đóng 130.000 đồng/tháng; xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe cá nhân) đến các loại xe tải, xe ôtô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên sẽ phải đóng phí từ 180.000- 1.040 triệu đồng/tháng. Các xe ôtô sẽ đóng “thuế” đường qua chu kỳ đăng kiểm 6 tháng/lần tại cơ quan đăng kiểm.


Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, sau khi biết được nội dung của Thông tư, nhiều doanh nghiệp vận tải đã có phản ứng về phương pháp thu phí.

Cụ thể, các doanh nghiệp vận tải đã có ý kiến với Hiệp hội cho rằng, mức thu quá lớn dù được chia ra làm 2 lần nộp trong 1 năm.

“Ngoài ra, các đơn vị vận tải phải trả tiền trước 6 tháng mới được sử dụng dịch vụ khi thu 6 tháng/lần theo chu kỳ kiểm định,” ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Chứng minh cho luận điểm trên, ông Hùng đưa ra dẫn chứng cụ thể, một doanh nghiệp vận tải có khoảng 100 xe container, như vậy, một lần đóng phí sử dụng đường sẽ là một số tiền không nhỏ.

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu phải đóng ngay một lúc số tiền lớn như vậy, chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải vay mượn ngân hàng để nộp phí sử dụng đường, như vậy không hợp tình, hợp lý. Trong sáu tháng đó, có những xe không hoạt động vì hỏng hay thiếu hàng thì giải quyết thế nào?” ông Hùng phản biện.

Đồng tình quan điểm đó, ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Bắc Nam cho biết, đơn vị này đang sở hữu hơn 10 xe container, nếu sắp tới phải đóng phí sử dụng đường bộ 6 tháng/lần trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn thì sẽ thêm phần khó cho các doanh nghiệp vận tải nặng có nhiều đầu xe.

“Phương pháp thu phí sử dụng đường theo chu kỳ đăng kiểm thì chỉ thuận lợi, dễ dàng cho cơ quan thu phí nhưng lại đẩy phần khó về cho doanh nghiệp,” ông Việt Anh bức xúc.

Ngoài ra, ông Việt Anh cũng tỏ ra băn khoăn bởi, sau khi đóng “thuế’ đường rồi nhưng vẫn chưa thể biết được chất lượng đường có cải thiện so với trước không hay xấu đi.

Bổ sung thêm về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, mức phí sử dụng đường bộ tại Việt Nam có thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên, chất lượng đường sá các nước tốt hơn nhiều so với Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Liên, việc thu phí trên đầu phương tiện cũng làm phát sinh sự thiếu công bằng với xe sử dụng đường bộ nhiều và xe sử dụng đường bộ ít.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Liên chỉ rõ, xe ôtô được sử dụng trong trường lái, xe ôtô bị tai nạn mất thời gian sửa chữa hoặc tạm giữ 3, 4 tháng cũng phải gánh chịu phí sử dụng đường bộ tương tự như những xe chạy nhiều.

“Điều này, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm xem xét làm thế nào tạo sự công bằng giữa các phương tiện,” ông Liên kiến nghị.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị vận tải, ông Việt Anh kiến nghị nên rút ngắn thời gian đóng phí sử dụng đường bộ như đề xuất của Bộ Tài chính từ 6 tháng/lần xuống còn 1 hoặc 3 tháng/lần.

Thu phí xe máy: “Đợi” ở sự tự giác

Cũng tại dự thảo Thông tư về thu phí sử dụng đường bộ của Bộ Tài chính, đối với phương tiện môtô, xe máy, xe đạp điện cũng phải đóng phí sử dụng đường. Cụ thể, từ 1/1/2013, người sử dụng xe máy sẽ phải đóng phí từ 50.000 - 150.000 đồng/năm.

Theo ông Hùng, xe đạp điện là phương tiện đang khuyến khích sử dụng góp phần bảo vệ môi trường đồng thời phù hợp đối với học sinh đến trường để hạn chế tình trạng đi xe máy.

“Do vậy, các Bộ ngành cần cân nhắc có nên tận thu đối với loại phương tiện này không?” ông Hùng đặt vấn đề.

Ngoài ra, Dự thảo Thông tư mới cũng đưa ra phương thức thu giao cho Ủy ban Nhân dân cấp phường, xã tiến hành thu phí sử dụng đường xe máy trên cơ sở thống kê đăng ký lượng xe máy trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo ông Liên, chính quyền phường xã sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác thu phí và việc thu cũng chả được bao nhiêu.

“Tô trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn đến kê khai thu phí, chủ sử dụng phương tiện không đóng phí thì sẽ giải quyết như thế nào?” ông Liên đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, ông Liên cũng cho rằng: “Thu phí phương tiện xe máy sẽ chỉ trông chờ vào sự tự giác của người dân vì trong Thông tư, Nghị định hiện nay vẫn chưa có chế tài để hướng dẫn hay xử phạt chủ xe không chấp hành đóng phí sủ dụng đường.”

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư mới cũng quy định, các đơn vị thu phí sử dụng đường bộ được giữ lại chi phí tổ chức thu và hòa chung vào nguồn kinh phí của đơn vị để chi cho công tác tổ chức thu phí.

Theo đó, đối với các phường, xã được để lại tối đa không quá 15% số phí sử dụng đường bộ thu được, đối với các xã được để lại tối đa không quá 30% để trang trải chi phí tổ chức thu.

Phản biện lại việc xã phường thu phí sử dụng xe máy sẽ trích số tiền % để trả lại cho tổ chức thu, ông Liên bày tỏ quan điểm, nếu có thêm đơn vị, tổ chức thu trong phường, xã sẽ làm cồng kềnh thêm bộ máy công quyền Nhà nước đồng thời số tiền thu được nếu trích ra chi trả lại cũng rất tốn kém và thất thoát nguồn thu./.

Việt Hùng (Vietnam+)
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh