Đẹp nghĩa tri ân…
 Đã 30 năm kể từ ngày Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam, nhằm tôn vinh các thầy giáo, cô giáo - những người đảm nhiệm sứ mệnh vẻ vang “trồng người”; qua đó đã thể hiện sự quan tâm to lớn và sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ nhà giáo nói riêng và ngành Giáo dục nói chung...

Sân Trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh) sáng ngày 18/11 rực rỡ cờ hoa, rộn ràng lời ca tiếng hát chào mừng 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. 20/11 năm nay là dịp trường tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập, bao thế hệ học trò từ khóa đầu tiên (năm học 1977-1978) ở khắp mọi miền đất nước về đây tụ hội. Tốt nghiệp ra trường đã gần 20 năm, nay có dịp quay về trường cũ, được gặp lại người thầy 3 năm chủ nhiệm lớp, anh Nguyễn Văn Cường, nay là giảng viên một trường ĐH phía Nam chia sẻ: “Quay về trường xưa, lớp cũ, được gặp lại thầy giáo chủ nhiệm năm xưa, chúng tôi hồi hộp lắm. Rất mừng, từ khi ra trường đến nay, thầy trò vẫn giữ liên lạc, có vui buồn gì cũng gọi điện chia sẻ với thầy. Phải nói rằng, nếu không có thầy bảo ban tận tình, nếu không có thầy định hướng tương lai, chắc chẳng bao giờ tôi sẽ là thầy giáo...”

Thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với những thầy cô giáo, những người đảm nhận trọng trách “trồng người”, 20/11 năm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng lãnh đạo các ngành đã chia làm 14 đoàn đến thăm, tặng quà chúc mừng ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Đến thăm và chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ở Trường ĐH Vinh, một trường có bề dày trên 50 năm đào tạo ngành Sư phạm, nơi ươm mầm những người thầy, người cô tương lai, đồng chí Trần Hồng Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh đã bày tỏ mong muốn, nhà trường ngoài cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm thì cần thiết bồi dưỡng lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết, tận tụy; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, tạo thói quen nghiên cứu khoa học, tích cực phấn đấu để kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên... để cho “thầy cô giáo của ngày mai” trở thành tấm gương sáng về mọi mặt.



Học sinh Trường THCS Lê Thị Bạch Cát (phường Nghi Thu, TX. Cửa Lò) tặng hoa cô giáo nhân ngày 20/11.     Ảnh: XUÂN NHƯỜNG

Các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT ở các huyện vùng cao, ở các xã vùng khó khăn cũng vinh dự được đón các đoàn công tác của tỉnh đến thăm và chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự quan tâm đó mang ý nghĩa động viên to lớn đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên nơi đây đang hàng ngày vượt qua những khó khăn, thiếu thốn và chịu cả những thiệt thòi, hy sinh để bám lớp, bám trường gieo chữ, nuôi lớn ước mơ cho học trò. Ở các trường học, đầu tháng 11, học sinh đã nô nức với hàng loạt các hoạt động với phong trào thi đua “Tri ân thầy cô”: “Tuần lễ học tốt”, “Điểm mười tặng cô”, thi viết “Nét bút tri ân”, tổ chức chương trình văn nghệ quy mô, ca ngợi mái trường, thầy cô và bè bạn...

Kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ở các địa phương, các khu dân cư tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh thầy cô: huyện Anh Sơn tổ chức gặp mặt, giao lưu các thế hệ nhà giáo; xã Nghi Phú (TP. Vinh) tổ chức tọa đàm và khen thưởng giáo viên có thành tích xuất sắc trong dạy và học; các khối dân cư ở xã Hưng Lộc (TP.Vinh) tổ chức gặp mặt thân mật các nhà giáo cư trú trên địa bàn...  Đặc biệt, dịp này, Công đoàn ngành Giáo dục đã tổ chức 4 đoàn thăm và tặng quà các thầy, cô giáo ốm đau, hiện đang điều trị ở các bệnh viện tuyến tỉnh; chỉ đạo Công đoàn ngành Giáo dục các huyện tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên đau ốm...

Đối với các thầy, cô giáo vùng cao, công tác ở những địa phương điều kiện khó khăn, thì ngày 20/11 thật ấm lòng trước những điểm tốt của học trò, với tuần lễ đi học chuyên cần và những bông hoa dại hái vội ven suối cắm trong ống nứa. Có khi, các thầy, cô còn nhận được những củ sắn, củ khoai, thậm chí cả hoa chuối rừng. Những món quà đó, giản dị nhưng chứa chan tình cảm, là lòng biết ơn chân thành của học sinh, phụ huynh đồng bào dân tộc. Gần 20 năm gắn bó với học sinh vùng cao Phà Đánh (Kỳ Sơn), thầy giáo Nguyễn Gia Lý có biết bao kỷ niệm đáng nhớ về ngày 20/11: “Xa quê, ở nhà công vụ giáo viên, năm nào cũng vậy, đêm 19/11, bà con dân bản kéo đến chật khu ký túc, mang theo nào sắn, nào khoai, nào rượu cần, đốt lửa múa lăm vông chúc mừng thầy cô. Nhận từ tay học sinh những bức tranh vẽ tay, nét bút còn nguệch ngoạc, những bông hoa xếp từ giấy màu còn thô hay những viên đá cuội kỳ lưng các em nhặt ven suối... chúng tôi thật sự cảm động, và thầm hứa với mình sẽ cố gắng hơn nữa, tận tâm, tận lực hơn nữa với học trò vùng cao”.
Tính đến năm học 2012-2013, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành Giáo dục Nghệ An là 53.347 người, trong đó 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt chuẩn đào tạo, số giáo viên trên chuẩn đào tạo tăng (tỷ lệ trên chuẩn đào tạo ở mầm non chiếm 61%, tiểu học 82%, THCS 76%, THPT gần 17%). Xác định được vai trò, trách nhiệm của mình, trong những năm qua, phong trào thi đua “Dạy tốt”, “Lao động sáng tạo” và thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo” được cán bộ, giáo viên toàn ngành hưởng ứng tích cực, chất lượng giáo dục nhờ đó được nâng cao, tiếp tục khẳng định thương hiệu “đất học” xứ Nghệ. Vinh dự hơn, 20/11 năm nay, toàn ngành có 13 cán bộ, giáo viên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đây là ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những thầy, cô giáo có đóng góp to lớn trong sự nghiệp trồng người trên quê hương Nghệ An.

 

DUY NAM  (Baonghean)               

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh